VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá thép cao kỷ lục

Giá thép cao kỷ lục

15:08 - 13/04/2021

Từ đầu tháng 4, thị trường thép xây dựng trong nước có 4 đợt tăng giá liên tiếp. Chỉ trong hơn 10 ngày, giá thép xây dựng tăng gần một triệu đồng mỗi tấn.

Ngày 12/4, tại miền Bắc, thép Hòa Phát ghi nhận mức giá lên đến 15.580 đồng/kg với thép cuộn CB240. Giá thép D10 CB300 cũng đạt 15.780 đồng/kg. Với thép Việt Ý, mức giá thép cuộn CB240 là 15.740 đồng/kg, trong khi đó thép D10 CB300 là 15.690 đồng/kg. Thương hiệu thép Việt Đức ghi nhận mức giá là 15.690 đồng/kg với thép cuộn CB240 và 15.720 đồng/kg với thép D10 CB300. Thép Kyoei chứng kiến mức giá lần lượt là 15.690 đồng/kg và 15.790 đồng/kg cho thép cuộn CB240 và D10 CB300.

Tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát ở mức 16.110 đồng/kg, giá thép D10 CB300 tăng lên mức 15.860 đồng/kg. Đối với thép Việt Đức, hiện mức giá thép cuộn CB240 là 15.690 đồng/kg và D10 CB300 là 15.720 đồng/kg. Thương hiệu Pomina có giá thép cuộn CB240 là 16.090 đồng/kg, thép D10 CB300 là 16.240 đồng/kg. Thép Việt Mỹ chứng kiến mức giá thép cuộn CB240 là 15.790 đồng/kg và D10 CB300 là 15.580 đồng/kg.

Ở miền Nam, thép Hòa Phát ghi nhận mức giá thép cuộn CB240 là 15.790 đồng/kg và thép D10 CB300 là 15.840 đồng/kg. Thép Pomina chứng kiến mức giá thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 tăng mạnh lên mức 16.090 đồng/kg và 16.190 đồng/kg. Thương hiệu Thép Miền Nam có giá thép cuộn CB240 ở mức 15.890 đồng/kg, thép D10 CB300 ở mức 15.790 đồng/kg. Thép Tung Ho ghi nhận mức giá thép cuộn CB240 ở mức 15.890 đồng/kg và thép D10 CB300 là 15.640 đồng/kg. Thép Vina Kyoei có giá lần lượt là 16.400 đồng/kg và 16.600 đồng/kg với các sản phẩm thép cuộn CB240 và thép D10 CB300.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép trong nước tăng là do các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng giá đột biến trên thị trường thế giới. Giá quặng sắt ngày 13/4 đang ở mức 171 USD/tấn, tăng 56% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận ở mức 660 USD/tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VSA, giá thép tăng mạnh cũng vì lý do thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, nhu cầu thép tại Trung Quốc đang tăng cao sau dịch bệnh theo đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước.

Giá thép được dự báo có thể đạt đỉnh trong năm 2021. “Chúng tôi cho rằng giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, giá có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định”, SSI Research đánh giá. Theo nhận định của SSI Research, nhu cầu thép trong nước khả năng tăng 8%.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự báo sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020. Nhu cầu của các thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc) dự kiến tăng 9,4%. Dựa vào những dự báo này, nhóm phân tính ước tính xuất khẩu thép Việt Nam có thể đạt tăng trưởng một con số trong năm nay.

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước dự báo sẽ được hưởng lợi từ những yếu tố trên. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xuất khẩu.