VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Giá thép giảm 13 lần liên tiếp trong ba tháng

Giá thép giảm 13 lần liên tiếp trong ba tháng

10:47 - 10/08/2022

Giá thép xây dựng trong nước đã giảm tổng cộng 4-5 triệu đồng/tấn qua 13 lần giảm liên tiếp từ ngày 11/5.

Các doanh nghiệp sản xuất thép thông báo giảm giá lần thứ 2 trong tháng 8 và lần thứ 13 liên tiếp. Trong lần điều chỉnh này, giá thép cuộn xây dựng và thép cây của hầu hết các thương hiệu đều giảm ở mức bình quân 200.000-310.000 đồng/tấn.

Thép Pomina Miền Trung là thương hiệu ghi nhận mức giảm mạnh nhất. Theo đó, Pomina điều chỉnh giá thép cuộn CB240 giảm 1,31 triệu đồng/tấn xuống 14,98 triệu đồng/tấn; Thép cây D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn xuống 16,39 triệu đồng/tấn.

Thép Hòa Phát miền Bắc giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép CB240 cũng như D10 CB300, xuống còn 14,88 triệu đồng/tấn và 15,74 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, thương hiệu này giảm giá 2 loại thép xuống 14,98 triệu đồng/tấn và 15,64 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Đức ở miền Bắc điều chỉnh giảm ở mức 300.000 đồng/tấn với CB240 và 260.000 đồng/tấn với D10 CB300. Giá 2 mặt hàng này hiện là 14,75 triệu đồng/tấn và 15,05 triệu đồng/tấn.

Kể từ ngày 11/5, giá thép xây dựng trong nước đã giảm khoảng 4-5 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và loại thép, với 13 lần giảm giá liên tiếp. Hiện, giá mặt hàng này đang ở mức thấp nhất trong năm nay.

Giá thép trong nước được dự báo sẽ giảm tiếp do tồn kho rất cao tại các nhà sản xuất thép lớn, đặc biệt là Tập đoàn Hòa Phát, theo Eutrade – thành viên Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Và điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến giá đến cuối năm.

Mặc dù giá thép ở Trung Quốc – thị trường thép số một thế giới ­– tăng trở lại trong những ngày gần đây, các nhà phân tích cho rằng niềm tin của thị trường bất động sản Trung Quốc khó có thể sớm phục hồi bất chấp những động thái hỗ trợ từ Bắc Kinh. Lĩnh vực bất động sản yếu kém và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Trung Quốc khiến nhu cầu thép của nước này trong năm nay có khả năng giảm thêm.

Theo Hòa Phát, giá thép thế giới giảm từ giữa quý II do lạm phát làm giảm sức mua của người tiêu dùng cùng với chính sách “zero Covid” của Trung Quốc khiến nhu cầu thép tại thị trường xuất khẩu quan trọng này đi xuống.

Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng giảm do xu hướng chung. Giá bán giảm, trong khi chi phí nguyên liệu cao khiến Hòa Phát phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lên tới 575 tỷ đồng và làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp.