VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá thép phế liệu lập đỉnh 13 năm

Giá thép phế liệu lập đỉnh 13 năm

14:55 - 09/11/2021

Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế đã kéo giá thép phế liệu lên mức đỉnh 13 năm.

Các nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới như POSCO, Hyundai Steel và Dongkuk Steel Mill đang phải chật vật mua nguồn thép phế liệu từ Nhật Bản, Nga và Mỹ. Giá thép phế liệu nhập khẩu từ Nhật Bản đang áp sát mốc 70.000 yen (tương đương 615 USD/tấn). Trong tuần đầu tiên của tháng 11, giá thép phế liệu nung chảy loại A tại Hàn Quốc đã leo lên 605.000 won (tương đương 510 USD)/tấn, tăng 94% từ đầu năm đến nay. Kể từ năm 2008, đây là lần đầu tiên loại thép phế liệu này vượt mốc 600.000 won.

Lần đầu tiên kể từ năm 2008, giá phế liệu vượt mốc 600.000 Won

Không chỉ giá mà nhu cầu thép phế liệu cũng được dự đoán là sẽ tăng vọt, thậm chí vượt mức 670.000 won/tấn khi chính phủ các nước thúc giục doanh nghiệp luyện thép giảm phát thải khí nhà kính. Do quá trình luyện thép là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí nên các tập đoàn sản xuất thép toàn cầu như Nippon Steel hay ArcelorMittal buộc phải tăng công suất luyện thép bằng lò điện. Mà thông thường, các lò điện sẽ sử dụng thép phế liệu thay vì quặng sắt.

Đối với POSCO – hãng sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc, thép phế liệu chiếm khoảng 20% nguyên liệu thô được sử dụng trong năm 2021. Và POSCO muốn nâng tỷ trọng này lên 30% vào năm 2025.

Trái với nhu cầu tăng mạnh, nguồn cung thép phế liệu lại đang bị hạn chế trong bối cảnh các nước xuất khẩu thép phế liệu đã ban hành một số biện pháp nhằm hạn chế doanh nghiệp đưa hàng ra nước ngoài, bao gồm phương án áp thuế xuất khẩu.

Đơn cử như Ủy ban Kinh tế Á – Âu đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu sắt thép phế liệu từ tháng 6 năm ngoái. Cùng thời điểm đó, ủy ban này đã tăng thuế xuất khẩu thép phế liệu từ 15 euro/tấn lên 70 euro/tấn.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc từ lâu đã coi thép phế liệu như phế phẩm và cấm nhập khẩu mặt hàng này. Song, sang năm nay, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm. Ngoài ra, chính quyền ông Tập Cận Bình còn công bố kế hoạch nâng tỷ lệ tự cung ứng thép phế liệu lên mức 90% vào năm 2025.

Giá thép phế liệu tăng đột biến không chỉ gây rắc rối cho ngành xây dựng mà còn tác động đến một loạt ngành công nghiệp từ ô tô, đóng tàu đến hàng điện tử. Bởi thép phế liệu hiện không chỉ được sử dụng để luyện thép xây dựng mà còn cả làm thép tấm cho xe cộ và tàu thuyền.

Các nhà phân tích cảnh báo nếu các chính phủ tiếp tục áp dụng những biện pháp bổ sung để hạn chế xuất khẩu thép phế liệu, một cuộc khủng hoảng có thể sẽ xảy ra tạo ra một hiệu ứng “gợn sóng” ở hàng loạt các ngành công nghiệp từ ô tô, đóng tàu đến hàng điện tử.