VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá thực phẩm giảm, bớt áp lực lên lạm phát toàn cầu

Giá thực phẩm giảm, bớt áp lực lên lạm phát toàn cầu

09:31 - 01/08/2022

Giá thực phẩm giảm trong những tháng gần đây, nhưng thị trường vẫn bất ổn do chiến tranh và thời tiết.

Giá các mặt hàng như lúa mì hoặc ngô giảm có thể làm chậm tốc độ tăng giá thực phẩm, hạ bớt áp lực đối với một nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn cầu.

Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng. Thị trường nông sản vẫn không ổn định và cuộc chiến tranh ở Ukraine – cùng với thời tiết khô nóng bất thường ở châu Âu và một số khu vực ở Mỹ – có thể gây gián đoạn mới cho nguồn cung thực phẩm.

“Chúng ta chắc chắn sẽ thấy những điều chỉnh trong ngắn hạn về giá cả”, theo Rob Vos, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế. “Cần phải rất thận trọng khi đưa ra những dự báo lớn rằng mọi thứ đang ổn định và cải thiện bởi vì chúng ta vẫn đang ở trong một tình huống khá khó khăn và eo hẹp”.

Các vấn đề về nguồn cung do đại dịch Covid-19 gây ra khiến giá thực phẩm tăng vọt vào năm ngoái. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm nay gây thêm áp lực. Hai nước cộng lại chiếm 28% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu vào năm ngoái và 15% lượng xuất khẩu ngô. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón nông nghiệp lớn và Ukraine dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dầu hướng dương.

Chỉ số giá thực phẩm có xu hướng giảm từ tháng 3/2022. Nguồn: Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).

Chỉ số giá thực phẩm có xu hướng giảm từ tháng 3/2022. Nguồn: Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).

Chiến tranh bùng nổ đẩy giá thực phẩm toàn cầu tăng 13% trong tháng 3 so với tháng trước đó, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Giá đã giảm kể từ đó và giá tháng 6 thấp hơn khoảng 3% tháng 3, mặc dù vẫn cao hơn so với trước khi chiến tranh bắt đầu, theo FAO.

Thị trường hợp đồng tương lai cho thấy giá tiếp tục giảm. Giá lúa mì tương lai hiện gần bằng với giá trước ngày 24/2, khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Giá ngô đang ở mức thấp nhất trong năm nay.

Một thỏa thuận gần đây cho phép xuất khẩu lúa mì của Ukraine có thể giúp hạ nhiệt giá toàn cầu. Sau khi thỏa thuận được ký kết, Nga đã tấn công 2 cảng lớn nhất của Ukraine – Odessa và Mykolaiv – nơi xử lý phần lớn lượng ngũ cốc xuất khẩu của nước này, làm dấy lên nghi ngờ về việc Nga tuân thủ thỏa thuận.

Sự sụt giảm giá hàng hóa thương phẩm gần đây bắt đầu xuất hiện trong giá tiêu dùng ở một số quốc gia, và các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ có sự điều tiết hơn nữa trong những tháng tới. Theo số liệu thống kê của chính phủ Colombia, lạm phát thực phẩm hàng năm ở đây đã hạ từ mức đỉnh hồi tháng 4, mặc dù vẫn rất cao. Tại Ai Cập, giá thực phẩm giảm theo tháng trong tháng 6.

Các nhà kinh tế của J.P. Morgan hiện dự báo tỷ lệ lạm phát thực phẩm toàn cầu giảm một nửa xuống còn khoảng 5,5% hoặc 6% trong quý IV năm nay, từ mức 13% trong quý II.

Điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn ở các thị trường mới nổi, nơi thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn hơn trong chi tiêu của người tiêu dùng so với những nền kinh tế phát triển. Lạm phát thực phẩm thấp hơn có thể làm giảm lạm phát chung 1,5 điểm phần trăm trên toàn cầu và 2 điểm phần trăm ở các thị trường mới nổi, J.P. Morgan ước tính. Điều đó có thể giảm bớt áp lực tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát đối với các ngân hàng trung ương.

Ông Vos cho biết giá hàng hóa thực phẩm đang giảm vì lý do sai. Ông nói rằng thay vì báo hiệu các hạn chế về nguồn cung được nới lỏng, giá giảm phản ánh sức mạnh của đồng USD và kỳ vọng rằng nhu cầu sẽ giảm khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn. Hôm thứ Ba, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và nâng dự báo lạm phát do phong tỏa Covid-19 của Trung Quốc, lạm phát tràn lan và cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế thế giới.

Scott Brown, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Missouri, cho biết: “Có một vài điều ở phía trước làm tôi cho rằng chúng ta có thể chưa xong với giá thực phẩm cao”. Đứng đầu trong những điều đó là chiến tranh và thời tiết. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính thời tiết nóng và khô ở Tây Ban Nha, Ý và các vùng của Mỹ sẽ làm giảm sản lượng gạo trong năm tới – có thể làm tăng giá gạo.

Cơ quan này dự báo sản lượng lúa mì và ngô toàn cầu giảm lần lượt 1% và 2,6% trong năm tới. Ukraine sẽ chứng kiến ​​sản lượng lúa mì của họ giảm 41% và xuất khẩu giảm gần một nửa, theo USDA.

“Hiện tại có rất nhiều điều không chắc chắn hoặc chưa biết, nếu tôi là người tiêu dùng, tôi dự báo có rất nhiều biến động về giá thực phẩm ở phía trước”, ông Brown nói.