VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tăng trong quý đầu năm

Giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tăng trong quý đầu năm

21:42 - 10/04/2022

Giá thuê mặt bằng trung bình ở một số trung tâm thương mại thuộc khu vực trung tâm TP HCM tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, cao gấp 4 lần khu vực ngoài trung tâm.

Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà bán lẻ trong nước và quốc tế đã tăng tốc mở rộng tại Việt Nam, bao gồm Uniqlo với cửa hàng thứ 11 rộng 3.000 m2 tại Saigon Centre (quận 1, TP HCM) hay Pandora với điểm bán hàng mới tại Aeon Long Biên (Hà Nội).

Các doanh nghiệp bất động sản cũng đang tập trung xây dựng hệ sinh thái cho riêng mình, trong đó bao gồm bán lẻ, nhằm phục vụ cộng đồng cư dân và khách hàng. Đơn cử như Nova Retail của NovaLand với chuỗi cửa hàng phân phối các thương hiệu nổi tiếng như Nike, GAP, The Face Shop, hay Sơn Kim Retail của Sơn Kim Group với chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 và chuỗi nhà hàng, spa.

CBRE đánh giá đây là những điểm sáng cho thị trường bán lẻ trong thời gian tới, khi một số ngành hàng mở mới và mở rộng, và các thương hiệu xa xỉ tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Đơn vị tư vấn này cho biết, trong quý đầu năm, một số trung tâm thương mại quy mô lớn ở khu vực trung tâm TP HCM bắt đầu phục hồi với lượng người mua sắm lớn. Giá thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một của các trung tâm thương mại này tăng 7,5% theo quý và 2,5% theo năm, đạt 145,1 USD/m2/tháng. Mức giá đó cao gấp 4 lần so với giá thuê ngoài trung tâm là khoảng 35,5 USD/m2/tháng.

Lượng khách mua sắm đông đúc trở lại ở một số trung tâm thương mại quy mô lớn ở trung tâm TP HCM.

Lượng khách mua sắm đông đúc trở lại ở một số trung tâm thương mại quy mô lớn ở trung tâm TP HCM.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam cho biết: “Thị trường có sự phục hồi không đồng đều giữa các khu vực, khi diện tích trống tại khu trung tâm rất thấp, trong khi đó, diện tích trống ở ngoài trung tâm là 13,7%”.

Bà cũng cho biết thêm rằng số yêu cầu hỏi thuê giảm hẳn so với thời kỳ trước dịch, trong đó nhóm ngành dịch vụ ăn uống (F&B), thời trang và phụ kiện giảm mạnh. Dự kiến ​​trong 2 năm tới, sẽ có thêm khoảng 235.000 m2 nguồn cung, nhưng việc xây dựng dự án mới ở khu vực trung tâm vẫn tiếp tục trì hoãn.

Trong báo cáo quý I, Cushman & Wakefield cũng ghi nhận nguồn cung bất động sản bán lẻ tại TP HCM trong 2 năm tới sẽ được bổ sung bởi các dự án lớn như Vincom Megamall Grand Park, Satra Center Mall và Socar Mall.

“Trước đây, các chủ đầu tư thường có xu hướng xây dựng trung tâm thương mại ở khu vực lõi trung tâm thành phố, tuy nhiên các dự án đang dần mở rộng ra khu vực lân cận. Đặc biệt, những dự án đang và sắp triển khai chủ yếu tập trung xung quanh đường vành đai 2″, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, cho biết.

Nhìn về triển vọng thị trường bán lẻ thời gian tới, bà Thanh cho rằng sức mua trong ngắn hạn đang bị hạn chế bởi khó khăn từ kinh tế vĩ mô, nhưng sẽ dần “ấm” lên và phục hồi trong những tháng cuối năm.