VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Giá xăng dầu tăng làm khó doanh nghiệp

Giá xăng dầu tăng làm khó doanh nghiệp

10:53 - 11/11/2021

Nhiều doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, kêu gọi giảm thuế, phí để chia sẻ khó khăn giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, từ 3h ngày 10/11, giá bán lẻ xăng E5 RON92 tăng 550 đồng/lít lên 23.660 đồng/lít; xăng RON95 tăng 660 đồng/lít và giá bán mới sát 25.000 đồng, lên 24.990 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel 0.05S và dầu hỏa vẫn ổn định. Riêng dầu mazut 180CST 3.5S giảm 390 đồng/kg.

Lý giải về việc tăng giá, Bộ Công Thương cho biết bình quân giá xăng thành phẩm thế giới 15 ngày qua tiếp tục tăng khoảng 1-1,6 USD/thùng so với giá bình quân 15 ngày trước đó. Riêng giá các mặt hàng dầu giảm nhẹ.

Giá xăng dầu trong nước tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Giá xăng dầu trong nước tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn cho rằng việc liên bộ chi mạnh quỹ bình ổn khiến quỹ của doanh nghiệp này âm nặng. Quỹ để tại doanh nghiệp nên khi âm, họ buộc phải bù đắp từ nguồn vốn kinh doanh. Theo vị này, hiện giá mua xăng dầu trong nước từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hay Bình Sơn cũng phải theo giá thế giới. Ông cảnh báo về các giải pháp chính sách khi giá dầu thế giới có thể vẫn ở mức cao cho đến hết quý I năm sau.

Ông Cao Hoài Dương – Chủ tịch Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) – cho biết, do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng trong thời gian qua, nhằm kiềm chế việc tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, nhà điều hành đã sử dụng quỹ bình ổn. Nhưng đến nay, quỹ bình ổn của PVOil bị âm khoảng 750 tỷ đồng. Ông Dương khẳng định PVOil phải vay vốn ngân hàng để bù quỹ, bù giá bán lẻ xăng dầu.

Ông Dương cho biết, trước đây khi dương quỹ, doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng nên khi âm quỹ, ngân hàng cũng ưu tiên cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng các doanh nghiệp “không còn cách nào khác” là phải làm việc với Nhà nước để giảm giá bán lẻ xăng dầu qua quỹ bình ổn.

Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phía Nam cho biết, việc giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua không chỉ gây khó khăn cho người dân mà cả các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, mức chiết khấu mỗi lít xăng trước đây là hơn 1.000 đồng/lít thì nay khoảng 500 đồng/lít, trong đó một nửa là chi phí vận chuyển. Do đó, giá xăng càng tăng thì các doanh nghiệp bán lẻ càng lỗ vì phải gánh thêm nhiều chi phí khác như mặt bằng, kho bãi, nhân viên, … Trong khi lượng tiêu thụ xăng dầu tăng nhưng vẫn không khả quan như trước dịch.

Ông Nguyễn Văn Tiu – chủ tịch Công ty cổ phần xăng dầu Tự Lực – cho rằng việc tăng giá xăng đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì chắc chắn người dân sẽ càng khó khăn hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh. Nhìn rộng ra, việc tăng giá xăng có thể tạo ra một mặt bằng giá mới trên thị trường. “Chủ trương điều hành giá xăng dầu của Nhà nước là hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng quá cao nhưng khó khăn của người dân chưa được chia sẻ. Bộ Tài chính vẫn chưa chịu giảm thuế”, ông Tiu nói.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Quang Khánh – phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu – cho rằng giá xăng dầu tăng cao gây khó khăn cho người tiêu dùng; vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là ngành giao thông vận tải. Do đó, chi phí vận tải tăng sẽ đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo, đặc biệt là dịch vụ taxi, xe ôm.

Mặc dù Bộ Tài chính trả lời rằng việc giảm thuế là “không phù hợp”, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến ​​nghị vì giá xăng dầu tăng mạnh và liên tục đang tạo áp lực quá lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp khi hồi phục sau dịch.

Là doanh nghiệp sử dụng nhiều xe nâng hạ container và hàng chục xe đầu kéo, ông Trương Nguyên Linh – phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 cho rằng, giá xăng dầu liên tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến phục hồi kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực logisitcs và vận tải. Ông Linh cho biết, lượng hàng hóa qua cảng đang bắt đầu phục hồi, việc sử dụng phương tiện sẽ nhiều hơn. Mỗi tháng, doanh nghiệp này sử dụng khoảng 200.000 lít dầu, chỉ cần nhích vài nghìn đồng là chi phí của doanh nghiệp đội lên rất nhiều.

Ông Linh cho rằng, giảm thuế, phí để kiềm chế tăng giá xăng dầu là hướng đi đúng đắn để cùng nhau chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tái thiết sau khi bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở TP HCM cho rằng, quan điểm của Bộ Công Thương về việc giảm thuế, phí xăng dầu vào thời điểm này là phù hợp. Giá xăng dầu đang “gánh” nhiều loại thuế, phí nên chỉ cần giảm một phần cơ cấu thuế, phí là có thể kìm hãm được đà tăng giá.