VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giảm thuế nhập khẩu: Thúc đẩy tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh hàng Việt

Giảm thuế nhập khẩu: Thúc đẩy tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh hàng Việt

10:44 - 02/04/2025

Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với một loạt các mặt hàng được kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tích cực kép cho nền kinh tế Việt Nam. Động thái này được xem là một bước đi chiến lược của Chính phủ nhằm đa dạng hóa nguồn cung, cân bằng cán cân thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt thực hiện chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng thiết yếu như ô tô, nông sản và xăng dầu, với mức giảm lên tới hàng chục phần trăm. Chính sách này được xem là bước đi quan trọng nhằm đa dạng hóa nguồn cung, hỗ trợ doanh nghiệp và cân bằng cán cân thương mại.

Theo nguồn tin VTV Online, chỉ trong hai tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.000 ô tô nguyên chiếc, tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, thuế nhập khẩu đối với một số dòng xe đã giảm từ 12% xuống 14%. Giới chuyên gia kỳ vọng rằng chính sách này sẽ thúc đẩy nguồn cung trong nước, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng đang có dấu hiệu phục hồi đáng kể.

Bên cạnh ô tô, nông sản cũng là sản phẩm được hưởng lợi lớn từ chính sách thuế mới. Theo đó, trong ba tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu nông sản đã đạt trên 7 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2024. Mỹ và các quốc gia châu Á tiếp tục là những thị trường cung ứng chủ lực, với hàng hóa từ Hoa Kỳ tăng hơn 9% so với năm ngoái. Theo biểu thuế mới, nhiều loại trái cây và thịt đông lạnh được giảm thuế từ 5-10%, và một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng được áp dụng mức thuế 0%.

Nông sản cũng là sản phẩm được hưởng lợi lớn từ chính sách thuế mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Khoa Thuế và Hải quan tại Học viện Tài chính, nhận định rằng việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp hạ chi phí đầu vào, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt.

Ngoài ô tô và nông sản, nhiều mặt hàng năng lượng thiết yếu cũng được điều chỉnh giảm thuế. Cụ thể, thuế ethanol giảm từ 10% xuống 5%, ethane được áp mức thuế 0%, và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm từ 5% xuống 2%.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại gỗ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất giảm thuế nhập khẩu một số sản phẩm gỗ từ 15-25% xuống 0%. Động thái này được đánh giá là hợp lý và góp phần tạo ra sự công bằng hơn trong thương mại song phương. Ông Trường cũng nhấn mạnh rằng việc hai bên cùng áp dụng mức thuế bằng 0 sẽ thúc đẩy hàng hóa lưu thông hai chiều, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngoài việc giảm thuế, Việt Nam cũng đang hướng tới các giải pháp chiến lược dài hạn, bao gồm việc đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ từ Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển. Việc tiếp cận công nghệ tiên tiến sẽ là chìa khóa để nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa và tăng giá trị xuất khẩu.

Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng đang tiệm cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, nhiều chính sách ưu đãi về thuế và tài chính đang được triển khai để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ hiện đại.

Nhìn chung, các chính sách như giảm thuế nhập khẩu và tăng cường nhập khẩu công nghệ nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm được đánh giá là bước đi tích cực, góp phần ổn định và cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia đối tác.

Ông Trường cũng nhấn mạnh rằng trong thương mại toàn cầu, mỗi quốc gia nên tập trung vào các sản phẩm có lợi thế so sánh. Điều này không chỉ tạo ra sự cân bằng trong giao thương mà còn mang lại lợi ích bền vững cho tất cả các bên, từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân. Việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng không chỉ là giải pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung mà còn là bước đi chiến lược hướng tới cân bằng cán cân thương mại, phù hợp với xu thế chính sách thuế toàn cầu, đặc biệt là nguyên tắc “có đi có lại”.

Việc áp dụng đồng bộ các chính sách thuế hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Khi được hưởng mức thuế ưu đãi, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc nhập khẩu nguyên liệu chất lượng cao và công nghệ tiên tiến với chi phí hợp lý. Điều này giúp giảm đáng kể giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và kích thích tiêu dùng nội địa.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây chính là yếu tố then chốt để xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

https://vtv.vn/xa-hoi/giam-thue-nhap-khau-thuc-day-tieu-dung-tang-suc-canh-tranh-hang-viet-20250402035214338.htm