VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giãn cách xã hội làm thay đổi cách mua sắm thực phẩm

Giãn cách xã hội làm thay đổi cách mua sắm thực phẩm

16:12 - 18/11/2021

Người dân TP HCM tăng cường mua sắm trực tuyến ngay cả khi các siêu thị và chợ mở cửa trở lại.

Theo những người bán hàng trực tuyến, cách người dân TP HCM mua thực phẩm đã thay đổi sau một thời gian giãn cách xã hội trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Theo đó, ngày càng có nhiều mặt hàng thực phẩm được mua trực tuyến.

Một báo cáo gần đây từ nền tảng mua sắm trực tuyến Shopee cho thấy người Việt Nam đang trở nên thoải mái hơn với việc mua thực phẩm và hàng tạp hóa trực tuyến, bao gồm cả những mặt hàng thường được mua trực tiếp.

Chợ là kênh mua sắm truyền thống của người Việt Nam.

Chợ là kênh mua sắm truyền thống của người Việt Nam.

Người Việt Nam thường đến chợ truyền thống để mua các mặt hàng thường ngày như thịt, rau, dầu ăn và gạo. Tuy nhiên, nhiều người buộc phải đặt hàng qua mạng trong thời kỳ giãn cách xã hội nghiêm ngặt, và tiếp tục giữ thói quen này ngay cả khi các cửa hàng được phép mở cửa trở lại. Thương mại điện tử đang giúp người tiêu dùng mua sắm những mặt hàng thực phẩm một cách thuận tiện hơn.

Chị Trần Minh Chiến, ngụ quận 3, TP HCM, cho biết chị thường đến siêu thị mua đồ dùng hàng ngày nhưng đã thay đổi thói quen kể từ khi giãn cách xã hội. “Giờ tôi mua mọi thứ trực tuyến trên Instagram, Facebook và các trang thương mại điện tử. Các siêu thị cũng cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến và nhiều công ty như Grab giúp tôi mua sắm. Đã thôi giãn cách xã hội nhưng tôi vẫn mua sắm trực tuyến”.

Anh Lê Văn Cường, tiểu thương kinh doanh trái cây tại chợ truyền thống Tân Định, quận 1, cho biết chợ ít khách mỗi ngày. “Tôi đã đăng ký bán hàng online trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, ShopeeFood và qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… Không thể chỉ bán ở chợ được”.

Báo cáo của Shopee Việt Nam cho thấy việc mua thực phẩm và hàng tạp hóa trực tuyến được ưu tiên khi người tiêu dùng coi thương mại điện tử là kênh phục vụ đầy đủ các nhu cầu của họ. Người bán và các thương hiệu đang thích ứng nhanh chóng.

Báo cáo cho biết người tiêu dùng đang tăng tỷ lệ mua sắm thực phẩm trực tuyến, với mức tăng 3,5 lần đối với người dùng mua thực phẩm vài lần một tháng trên nền tảng của họ. Mọi người cũng đang mua nhiều loại mặt hàng thực phẩm trực tuyến hơn vì họ thay đổi lối sống ở các giai đoạn khác nhau của giãn cách xã hội và đại dịch.

Vào đầu thời kỳ giãn cách xã hội, người tiêu dùng nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm sẵn sàng ở nhà. Theo đó, nhu cầu về dụng cụ nấu nướng tăng gấp 3 lần.