VNReport»Kinh tế»Tài chính»Kinh tế Việt Nam dự báo giảm trong quý 3/2021

Kinh tế Việt Nam dự báo giảm trong quý 3/2021

13:57 - 27/09/2021

Những hạn chế vì Covid-19 có thể khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm trong quý 3.

Nền kinh tế Việt Nam trong quý 3/2021 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng dưới 2% và có thể giảm so với cùng kỳ 2020, theo các chuyên gia. Rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Chính phủ trong cả năm. Đồng thời, giới phân tích cảnh báo, áp lực có thể tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng sau quý 3 nếu không thể tái mở cửa một cách nhanh chóng.

Số liệu GDP quý 3 dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này.

Nhiều tỉnh thành bị áp đặt lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong quý 3.

Nhiều tỉnh thành bị áp đặt lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong quý 3.

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong quý 3 sẽ giảm xuống còn 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 6,6% trong quý 2”, Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế về Thái Lan và Việt Nam tại Standard Chartered, cho biết.

Công ty chứng khoán SSI dự báo nền kinh tế có thể đã trải qua một đợt suy thoái trong quý 3, với mức giảm từ 0,8 đến 1% so với cùng kỳ năm trước – khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 2,69%.

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP trong quý 3/2021 ở mức -1,2% so với cùng kỳ năm ngoái trước khi tăng trở lại lên 5,7% trong quý IV/2021”, công ty chứng khoán VNDirect cho biết trong báo cáo phát hành ngày 13/9 – một dự báo còn tiêu cực hơn.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV – dự báo tăng trưởng GDP quý 3 có thể giảm 2% so với cùng kỳ.

Trước tình hình kinh tế yếu kém trong quý 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 14/9 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP xuống khoảng 3,5% đến 4% trong năm nay nếu Covid-19 được kiểm soát vào tháng 9. Bộ chỉ ra nguyên nhân hạ dự báo là sự gián đoạn đối với sản xuất, cung ứng, dịch vụ và xuất khẩu, cũng như tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong nhà máy. Trên cơ sở sửa đổi của Bộ, Quốc hội sẽ thông qua các chỉ tiêu mới.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á hôm thứ Tư đã điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay xuống 3,8% – giảm 2,9% so với dự báo vào tháng Tư. “Triển vọng ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng của đất nước không tăng đáng kể”, tổ chức này cho biết.

Một số phân ngành dịch vụ, bao gồm khách sạn, dịch vụ ăn uống và vận tải có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm trong nửa cuối năm 2021, VNDirect cho biết. Công ty này hạ mức tăng trưởng GDP cả năm 2021 xuống 3,9% từ 5,0-5,5%.

Standard Chartered cũng điều chỉnh dự báo năm 2021 từ 6,5% xuống còn 4,7%. “Trong khi chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ phục hồi lên 5,5% theo năm trong quý IV/2021, chúng tôi nhận thấy rủi ro giảm đối với dự báo của mình – và khả năng cắt giảm lãi suất – nếu tác động kinh tế của đợt bùng phát Covid ở Việt Nam kéo dài. Một kịch bản như vậy có thể ảnh hưởng đến vị thế đối ngoại của Việt Nam”, Leelahaphan nói.

Hà Nội đã nới lỏng các quy định hạn chế từ ngày 21/9 nhưng TP HCM vẫn giãn cách xã hội ít nhất cho đến cuối tháng này.

Từ đầu dịch, Việt Nam ghi nhận tổng số ca tử vong là hơn 18.000 người. Riêng TP HCM, thành phố lớn nhất cả nước, đã có hơn 14.000 người chết, chiếm 3/4 tổng số ca tử vong của cả nước.

Những hạn chế kéo dài được cho là đã đè nặng lên các nhà máy. Những khu vực xung quanh thủ đô và trung tâm kinh tế phía Nam là nơi tập trung nhiều nhà máy do các công ty lớn của nước ngoài như Samsung Electronics, Intel và Nike điều hành. Những khu vực này đóng góp khoảng một nửa GDP và tạo thành mắt xích liên kết quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực.

Xuất khẩu điện thoại thông minh và máy tính cá nhân là cứu cánh cho nền kinh tế, khi nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh toàn thế giới chuyển dịch sang các hoạt động trực tuyến. Chứng khoán Rồng Việt chỉ ra trong báo cáo ngày 20/9: “Xuất khẩu hàng điện tử và kim loại là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh bức tranh thương mại ngày càng xấu đi”. Công ty này cho biết mức giảm lớn được ghi nhận ở các mặt hàng túi xách, giày dép và đồ gỗ, lần lượt là 54,7%, 40,2% và 39,1% so với tháng trước.

Ngày 17/9, một nhóm hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm các phòng thương mại Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc cũng như Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính. “Những cuộc khảo sát mà các hiệp hội chúng tôi thực hiện cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, và đang gia tăng thảo luận về điều này”, bức thư viết.

“Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều khi các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, Mary Tarnowka, cho biết. “Nhưng các tín hiệu không rõ ràng hiện tại, sự gián đoạn và chậm trễ trong lộ trình quản lý Covid, tái mở cửa và khôi phục sẽ hạn chế tiềm năng đó”.

Trong khi đó, tại thủ đô, việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã đóng cửa các nhà máy, cửa hàng và dịch vụ trên quy mô toàn thành phố, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết.

Đối với các công ty đa quốc gia, “việc chuyển sang nước khác sẽ mất nhiều thời gian vì họ đã đầu tư rất nhiều tiền vào Việt Nam và cũng được hưởng lợi từ khoản đầu tư của họ. Nhưng Chính phủ cần phải kịp thời phản hồi và đối thoại trực tiếp với cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”, ông cho biết.