Hôm thứ Năm, Grab đẩy nhanh thời điểm dự kiến hòa vốn cho các đơn vị giao nhận của mình, từ đồ ăn, hàng tạp hóa đến bưu kiện, khi công ty tiếp tục nỗ lực giảm lỗ trong bối cảnh nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến vấn đề lợi nhuận.
Trước đó, công ty đặt hạn chót hòa vốn vào cuối năm 2023. Hiện tại, Grab hy vọng mảng giao đồ ăn sẽ hòa vốn trên cơ sở lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) điều chỉnh vào quý I/2023. Mảng giao nhận chung dự kiến hòa vốn EBITDA điều chỉnh trong quý II/2023.
Dự báo mới sớm hơn trước đó tương ứng 1 và 2 quý, nhờ chi phí cố định thấp hơn và giảm bớt ưu đãi cho khách hàng và tài xế.

Grab cho biết hãng sẽ tập trung vào các khách hàng “chất lượng cao” để đạt mục tiêu có lãi.
Công ty niêm yết ở sàn Nasdaq đưa ra triển vọng mới khi báo cáo khoản lỗ 572 triệu USD trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, thu hẹp 29% so với mức lỗ 801 triệu USD cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu đạt mức kỷ lục 321 triệu USD, tăng 79%, với nhu cầu mạnh mẽ từ cả hai mảng giao nhận và gọi xe.
Giá cổ phiếu của Grab giảm 12% trong phiên thứ Năm tại New York, và đã giảm hơn 75% từ khi IPO vào tháng 12/2021.
“Chúng tôi tự tin có thể đối phó với những thách thức trước mắt”, CEO Anthony Tan cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng trưởng doanh thu một cách bền vững, cải thiện biên lợi nhuận và đẩy nhanh con đường đạt được lãi”.
Grab cho biết hãng sẽ tập trung nhiều hơn vào nhóm khách hàng “chất lượng cao”, những người ít nhạy cảm với các ưu đãi và sử dụng dịch vụ với tần suất cao hơn. Tuy nhiên, ông Tan cảnh báo rằng “điều này sẽ đi kèm với sự đánh đổi” với tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Công ty điều chỉnh giảm ước tính tổng giá trị các giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng của Grab xuống mức 21% so với cùng kỳ năm ngoái, so với ước tính 30% trước đó.
Về mảng giao đồ ăn, ông Tan lưu ý rằng nhu cầu đang chậm lại khi các nền kinh tế Đông Nam Á bắt đầu mở cửa trở lại và sẽ “tiếp tục hạ nhiệt” khi nhiều người đi ăn ngoài hơn.
Grab – công ty đặt xe và giao nhận lớn nhất Đông Nam Á – trở thành một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất khu vực sau khi lên sàn vào năm 2021. Sau 10 năm thành lập, chi tiêu của khách hàng trên nền tảng tiếp tục tăng lên nhưng vẫn chưa mang lại lợi nhuận.
Ngay cả khi dẫn đầu thị trường, giá cổ phiếu của Grab vẫn kém hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Cổ phiếu của đối thủ Indonesia GoTo chỉ giảm khoảng 4% kể từ khi niêm yết tại Jakarta vào tháng 4, trong khi Grab đã giảm hơn 3/4 giá trị. Giá trị thị trường khoảng 12 tỷ USD của Grab chưa bằng một nửa so với GoTo.
Kể từ năm nay, Grab cắt giảm nhiều ưu đãi cho tài xế và khách hàng. Trong 3 tháng tính đến tháng 6, ưu đãi dành cho đối tác tăng 23% lên 212 triệu USD, trong khi ưu đãi cho người dùng tăng 28% lên 311 triệu USD. Mặc dù vẫn ở mức đáng kể, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại nhiều so với các quý trước.
Giám đốc tài chính Peter Oey cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng mức ưu đãi sẽ tiếp tục giảm dần khi đẩy nhanh con đường đạt được lợi nhuận”.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh đối với Grab có thể gặp nhiều thách thức hơn, đặc biệt là với rủi ro lớn hơn trong mảng giao đồ ăn. Chính phủ Singapore – thị trường chiếm khoảng một nửa tổng doanh thu của Grab – đang chuẩn bị thúc giục các nền tảng sử dụng lao động tự do đảm bảo an ninh tốt hơn cho người lao động.