VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Hà Tĩnh xin dừng mỏ sắt Thạch Khê

Hà Tĩnh xin dừng mỏ sắt Thạch Khê

14:32 - 30/11/2021

Tỉnh Hà Tĩnh một lần nữa đề xuất Chính phủ cho phép “khai tử” mỏ sắt Thạch Khê – có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký văn bản kiến ​​nghị Thủ tướng Chính phủ sớm đồng ý chấm dứt hoạt động của dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê và nhà máy luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê.

Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cũng giao các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo về dự án trình Bộ Chính trị xem xét, kiến ​​nghị với các cơ quan liên quan về việc tạm dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với Công ty cổ phần sắt Thạch Khê để công ty duy trì hoạt động trong thời gian dừng khai thác.

Dự án tuyển, khai thác quặng tại mỏ sắt Thạch Khê đã dừng việc bóc lớp đất tầng phủ và dừng khai thác từ năm 2011 đến nay.

Mỏ sắt Thạch Khê đã tạm dừng khai thác hơn 10 năm nay.

Mỏ sắt Thạch Khê đã tạm dừng khai thác hơn 10 năm nay.

Việc dự án tạm dừng trong thời gian dài nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu dẫn đến nhiều tồn đọng, trong đó có phát sinh liên quan đến Công ty cổ phần sắt Thạch Khê vẫn chưa được giải quyết.

Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Tĩnh, Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đang nợ 520 tỷ đồng bao gồm các khoản thuế. Trong đó, chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản là 309 tỷ đồng; tiền thuê đất 25 tỷ đồng và tiền phạt nộp chậm là 185 tỷ đồng…

Mỏ Thạch Khê được phát hiện vào năm 1960 với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Nằm cách bờ biển Đông 1,6 km, đây được coi là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 4.400 hộ dân với gần 19.000 nhân khẩu thuộc 5 xã này.

Từ năm 2008 đến 2011, chủ đầu tư đã thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ đến độ sâu 34 m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Đến tháng 11/2011, Chính phủ tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông do vướng mắc trong việc huy động, góp vốn.

Từ cuối năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần có báo cáo gửi Trung ương đề nghị dừng dự án vì cho rằng công nghệ, kỹ thuật khai thác không phù hợp với đặc điểm địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; thị trường tiêu thụ quặng chưa chắc chắn.