VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Hai viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nâng trần nợ

Hai viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nâng trần nợ

07:49 - 03/06/2023

Tổng thống Joe Biden nói rằng ông sẽ ký dự luật này sớm nhất có thể, kết thúc cuộc tranh cãi về trần nợ và đảm bảo chính phủ Mỹ sẽ không vỡ nợ.

Tối 1/6, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật đình chỉ trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD đi kèm với giới hạn chi tiêu chính phủ, theo thỏa thuận mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được để ngăn khả năng vỡ nợ của chính phủ Mỹ.

Trước đó, vào tối 31/5, Hạ viện đã thông qua thỏa thuận này. Dự luật sẽ được chuyển đến Tổng thống để ký thành luật trước ngày thứ Hai – thời điểm mà Bộ Tài chính nói rằng chính phủ sẽ không còn khả năng thanh toán chi tiêu nếu không nâng trần nợ. Ông Biden nói rằng ông sẽ ký dự luật này ngay khi có thể.

Ở Thượng viện, dự luật được thông qua với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống, với những người ủng hộ đến từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Dự luật cũng nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng ở Hạ viện với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống.

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nâng trần nợ cùng với giới hạn chi tiêu chính phủ.

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nâng trần nợ cùng với giới hạn chi tiêu chính phủ.

Những người ủng hộ nói rằng sự cần thiết phải nâng trần nợ cao hơn lo ngại về các điều khoản chi tiêu công, chính sách năng lượng và những vấn đề khác. Các ý kiến phản đối từ Đảng Cộng hòa cho rằng dự luật không giảm chi tiêu đủ sâu, trong khi một số nghị sĩ của Đảng Dân chủ không hài lòng về quy định siết chặt trợ cấp lương thực trong dự luật.

Việc thông qua dự luật khép lại chương cuối cùng tương đối suôn sẻ trong cuộc tranh cãi kéo dài nhiều tháng giữa hai đảng về trần nợ. Đảng Dân chủ cáo buộc Đảng Cộng hòa sử dụng khả năng vỡ nợ để ép chính phủ giảm chi tiêu, trong khi Đảng Cộng hòa cho rằng cần có hành động quyết liệt để giải quyết vấn đề nợ ngày càng tăng của đất nước.

Hồi tháng 1, Bộ Tài chính cho biết chính phủ đã vượt qua giới hạn nợ và bắt đầu sử dụng “những biện pháp phi thường” để giữ cho chính phủ có khả năng chi trả. Ông Biden ban đầu cam kết không chấp nhận giảm chi tiêu để nâng trần nợ. Nhưng sau khi Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua một dự luật cắt giảm sâu chi tiêu vào tháng trước, ông Biden bắt đầu đàm phán nghiêm túc với ông McCarthy.

Dự luật – có tên chính thức là Đạo luật Trách nhiệm Tài chính – sẽ đình chỉ trần nợ cho đến ngày 1/1/2025, dời vấn đề đến sau cuộc bầu cử năm 2024, để đổi lấy giới hạn chi tiêu công trong các năm tài chính 2024 và 2025. Dự luật cam kết 45 tỷ USD cho một chương trình y tế hỗ trợ các cựu chiến binh, chính thức kết thúc 3 năm hoãn các khoản thanh toán nợ sinh viên, đẩy nhanh các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng lớn, và siết chặt điều kiện nhận trợ cấp thực phẩm.

Dự luật không đụng đến các chương trình bảo hiểm xã hội và y tế, cho thấy giới chức Mỹ chưa muốn giải quyết nguyên nhân lớn nhất gây ra nợ chính phủ.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, dự luật này sẽ giảm thâm hụt ngân sách chính phủ khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.

Bởi vì chính phủ Mỹ liên tục thâm hụt ngân sách lớn hàng năm, trần nợ thường xuyên trở thành vấn đề. Một khi đạt đến giới hạn, Quốc hội phải tăng hoặc đình chỉ trần nợ trước khi Bộ Tài chính có thể phát hành thêm nợ.