VNReport»Kinh tế»Hàng không hứa hẹn phục hồi hoàn toàn cuối năm 2023

Hàng không hứa hẹn phục hồi hoàn toàn cuối năm 2023

11:31 - 17/08/2022

Sau khoảng thời gian dài “đóng băng” do dịch bệnh Covid-19, ngành hàng không đang chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ, hứa hẹn khôi phục hoàn toàn vào cuối năm 2023.

Hồi phục nhưng chưa đồng đều

7 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường hành khách đạt 35,3 triệu khách, tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 7 vừa qua, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt gần 12 triệu lượt hành khách. Trong đó, sản lượng khách trên các chuyến bay nội địa đạt hơn 10,5 triệu lượt hành khách, tăng bùng nổ 40,3% so với cao điểm tháng hè thời điểm trước dịch,

Theo kết quả phân tích của Airbus phối hợp với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không nội địa Việt Nam có tốc độ hồi phục và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng Phú Quốc đã có hơn 100 chuyến bay/ngày được khai thác trong khi chỉ có tổng 72 chuyến quốc tế và nội địa/ngày vào năm 2019.

Thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh

Ông Phạm Việt Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, nhận định thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Theo đó, thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát nhưng thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Còn vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng nhưng nội địa giảm.

Bên cạnh đó, lợi nhuận các doanh nghiệp thu không tương ứng với doanh thu, cộng thêm gánh nặng từ giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.

Báo cáo mới công bố cho thấy, nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) ghi nhận doanh thu thuần gần 30.000 tỷ đồng, tăng mạnh 114% nhưng báo lỗ gần 5.200 tỷ đồng do giá nhiên liệu bay tăng cao đột biến, cùng với đó, thị trường quốc tế phục hồi chưa đạt kỳ vọng.

Còn tại hãng hàng không Tre Việt, tín hiệu đáng mừng là doanh thu quý 2 của hãng tăng 50% so với quý 1 và vượt 30% so với kế hoạch đầu năm. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn FLC ghi nhận khoản lỗ từ Bamboo Airways gần 955 tỷ đồng, lỗ thêm 454 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Trong khi đó, Vietjet Air vận chuyển 6 triệu lượt khách, tăng 200% so với cùng kỳ, giúp doanh thu cốt lõi tăng 292,6%. Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm tăng 242,1% so với cùng kỳ, đạt 424 tỷ đồng.

Hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ

Đánh giá về tiềm năng ngành hàng không nửa cuối năm 2022, giới phân tích cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ cao hơn nửa đầu năm, do nhu cầu đi lại trong nước có xu hướng hồi phục mạnh, khách quốc tế tăng cao và việc nối lại các đường bay quốc tế.

Các chuyên giá dự báo bước sang năm 2023, ngành hàng không tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ hơn so với năm 2022 nhưng chưa quay về mức trước Covid-19 cho tới cuối năm 2023.

Theo dự báo, sản lượng khách trong nước tiếp đà tăng, đạt 98 triệu lượt khách, tăng 10%. Còn khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh với giả định Trung Quốc sẽ dần thực hiện chính sách “Zero Covid” linh hoạt, mở cửa hoàn toàn vào năm 2023. Khi đó, lượng khách quốc tế cuối năm 2023 sẽ hồi phục hoàn toàn so với năm 2019.

Tuy nhiên, thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro trong năm 2023 khi những lo ngại về việc các hãng hàng không tái khởi động các tuyến bay đến thị trường quốc tế trong bối cảnh giá dầu cao, thị trường cạnh tranh gay gắt và khả năng nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng không thiết yếu.

Một vấn đề khác là cơ sở hạ tầng tại các sân bay lớn, trong đó, sản lượng khách trong nước đã vượt mức trước Covid và cảng hàng không nội địa chính tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất vượt công suất thiết kế, trong khi các dự án mở rộng chưa bắt đầu.

Trước loạt thách thức này, hàng không nêu 5 kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không.

Bên cạnh đó, cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hoá nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành cũng như sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam.

Đáng chú ý, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị cần nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới cũng như tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…