VNReport»Kinh tế»Hàng không toàn cầu dự báo phục hồi về mức trước dịch vào giữa năm nay

Hàng không toàn cầu dự báo phục hồi về mức trước dịch vào giữa năm nay

11:06 - 17/01/2023

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp thúc đẩy lưu lượng hàng không toàn cầu đạt mức trước đại dịch vào giữa năm nay.

Ngành hàng không toàn cầu đã thua lỗ chồng chất hàng trăm tỷ USD trong 3 năm qua, khi các hạn chế nhằm chống lại sự lây lan của Covid-19 gây sụt giảm nhu cầu đi lại.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Giao thông hàng không Thế giới (IATA), năm 2020 – năm đầu tiên của đại dịch, chứng kiến toàn ngành lỗ 137,7 tỷ USD. Năm 2021, toàn ngành lỗ 42 tỷ USD, do tình trạng thiếu nhân viên và các gián đoạn khác tiếp tục gây cản trở kinh doanh, cho dù hoạt động đi lại bằng máy bay đã được nối lại ở nhiều nơi.

Việc Trung Quốc mở lại biên giới sẽ kích hoạt sự phục hồi hoàn toàn của hàng không toàn cầu

Các nhà điều hành từng cảnh báo rằng sự phục hồi về mức trước dịch sẽ không đến trước năm 2024. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở lại biên giới được xem là sẽ kích hoạt sự phục hồi hoàn toàn về lưu lượng hành khách.

Theo nhà cung cấp dữ liệu ngành ForwardKeys, lượng đặt chuyến bay quốc tế đi từ ngày 26/12 đến ngày 3/1 đã tăng 192% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn 85% so với mức trước đại dịch.

Các chuyên gia ngành hàng không kỳ vọng, mức đặt chỗ sẽ tiếp tục tăng khi các hãng hàng không ở Trung Quốc thuê nhân viên và xây dựng lại lịch trình các chuyến bay quốc tế sau ba năm không hoạt động.

Aengus Kelly – Giám đốc điều hành của AerCap, công ty cho thuê lớn máy bay nhất thế giới, cho biết các khách hàng của hãng hàng không đều cho biết nhu cầu rất cao, bất chấp suy thoái kinh tế.

AerCap đã nhận thấy nhu cầu về máy bay vào năm ngoái nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của hãng. AerCap đã ký 570 hợp đồng cho thuê vào năm 2022, chủ yếu là các máy bay sẽ được giao vào năm 2023 và 2024.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu máy bay mới được cho là tiếp tục cản trở sự phục hồi hoàn toàn của ngành hàng không. Khoảng 2.400 máy bay đã được đặt hàng nhưng không kịp chế tạo vì đại dịch.

Trong bối cảnh gia tăng lo ngại về sự chậm trễ trong việc giao máy bay mới, hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus đang chịu áp lực rất lớn và không đạt được mục tiêu sản xuất của họ.

Cả hai đều tăng cường sản xuất máy bay vào năm ngoái để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các hãng hàng không. Airbus đã giao 661 máy bay phản lực vào năm 2022, tăng 8%, trong khi đối thủ Mỹ của hãng đã tăng sản lượng 41% so với năm trước lên 480 chiếc.

Tuy nhiên, những hạn chế về chuỗi cung ứng đã buộc Airbus phải nhanh chóng mở rộng sản xuất loại máy bay phản lực A320neo, loại máy bay thương mại bán chạy nhất của hãng và điều chỉnh lại cam kết về số lượng máy bay được giao.

Ngoài ra, những lo ngại về kinh tế vĩ mô cũng ảnh hưởng đến ngành hàng không. Lạm phát đang đẩy giá phụ tùng máy bay lên cao, đồng thời đặt ra nghi ngờ về khả năng phục hồi của nhu cầu đi lại.

Với lãi suất cao hơn, các công ty cho thuê phải trả nhiều tiền hơn đáng kể để trả các khoản nợ lớn từ sự tăng trưởng mạnh đơn đặt hàng máy bay trong nhiều năm.

Tất cả các hãng hàng không đều phải đối mặt với biến động của giá dầu và những hãng ở hầu hết các thị trường mới nổi đối mặt với sự gia tăng mạnh về chi phí thuê máy bay và nhiên liệu.

Bất chấp những thách thức từ nguồn cung máy bay mới, IATA dự báo tổng doanh thu của ngành hàng không toàn cầu đạt 779 tỷ USD trong năm 2023, chủ yếu nhờ sự phục hồi của nhu cầu đi lại.