VNReport»Kinh tế»Hàng không toàn cầu dự kiến có lãi vào năm 2023

Hàng không toàn cầu dự kiến có lãi vào năm 2023

17:14 - 09/12/2022

Sau 3 năm suy thoái do đại dịch, ngành hàng không toàn cầu dự kiến có lãi trở lại trong năm tới.

Trong năm 2020 và 2021, các hãng hàng không đã thiệt hại hàng chục tỷ USD do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người tiêu dùng. Trong năm 2020 – năm đầu tiên của đại dịch, theo IATA, ngành hàng không đã thiệt hại hơn 137 tỷ USD. Năm 2021, khoản lỗ thu hẹp còn 42 tỷ USD do tình trạng thiếu nhân viên và các gián đoạn khác.

Tuy nhiên giờ đây, du lịch hàng không đã dần hồi phục. Năm 2022, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo khoản lỗ của ngành hàng không ở mức 6,9 tỷ USD, giảm so với mức 9,7 tỷ USD được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 6. IATA cho biết, dự kiến ngành hàng không sẽ có lợi nhuận ròng ở mức 4,7 tỷ USD trong năm 2023 với hơn 4 tỷ hành khách đi máy bay.

IATA tin rằng, đến năm 2024, lưu lượng hàng không toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch Covid-19 hoặc mức năm 2019, dẫn đầu là Mỹ, nhưng khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn ít có cải thiện.

Du lịch hàng không đã dần hồi phục

Theo ông Willie Walsh – Tổng giám đốc IATA, sự phục hồi của ngành vẫn đang diễn ra tốt đẹp. Và còn một chặng đường dài để trở lại mức năm 2019 với lãi ròng 26,4 tỷ USD, nhưng ngành hàng không đang đi đúng hướng dù vẫn đang chịu những áp lực lớn hơn từ sự chậm lại của nền kinh tế.

Dù lạc quan về triển vọng kinh doanh năm tới của ngành hàng không song ông Willie Walsh cũng chỉ ra những rủi ro cho ngành này. Theo đó, ngành hàng không toàn cầu đang trong giai đoạn phục hồi tuy nhiên quá trình này diễn ra không đồng đều và còn phụ thuộc vào nhiều biến số như nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một loạt thách thức mới mà trong đó có cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát và giá nhiên liệu tăng…

Bên cạnh đó, hành khách đi máy bay sẽ phải đối mặt với giá vé cao hơn khi ngành hàng không hướng tới mục tiêu giảm lượng khí thải xuống mức 0% vào năm 2050. Trong năm nay, giá vé máy bay đã tăng vọt do giá nhiên liệu máy bay tăng cao hơn. Trong tương lai, giá máy bay cũng sẽ bị tác động khi ngành hàng không hướng đến mức phát thải ròng bằng 0.

Vào tháng 7, Nghị viện châu Âu đã ủng hộ các quy tắc về nhiên liệu hàng không đặt ra các mục tiêu ràng buộc để thay thế dầu hỏa bằng các nguồn ít gây ô nhiễm hơn, đồng thời mở rộng định nghĩa về nhiên liệu xanh. Trong khi đó tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đã yêu cầu cung cấp ít nhất 3 tỷ gallon SAF mỗi năm vào năm 2030.

Trong khi đó, lĩnh vực hàng không được coi là một trong những lĩnh vực khó khử cacbon nhất vì nhiên liệu cho các chuyến bay không dễ dàng thay thế bằng các loại năng lượng khác. Dự luật giảm lạm phát năm nay của Mỹ đã dành các khoản trợ cấp đáng kể cho ngành sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) dưới hình thức tín dụng thuế. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ngành hàng không châu Âu, bao gồm cả người đứng đầu hãng sản xuất máy bay Airbus cho rằng, luật này có thể tạo ra một sân chơi không bình đẳng.