VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Hàng Việt “phủ sóng” thị trường Tết 2023

Hàng Việt “phủ sóng” thị trường Tết 2023

16:21 - 05/01/2023

Hàng hóa của những thương hiệu nội địa đang chiếm đa số trên các quầy hàng tại thị trường Tết Nguyên đán 2023.

Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, nhiều nhóm hàng có sức mua và lượng khách hàng đến các điểm bán đã tăng gấp 2 – 3 lần so với ngày thường. Nhu cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán.

Đại diện Emart cho biết lượng khách trong dịp cuối năm của siêu thị này tăng khoảng 10%, doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Vì kinh tế khó khăn, người dân chủ yếu tập trung mua hàng nhu yếu phẩm và những món không thể thiếu trong dịp lễ, Tết như bánh, nước ngọt, nước yến, bia, các loại hạt khô, chocolate… Các ngành hàng như thời trang, điện máy có sức mua chậm.

Thị trường hàng hóa Tết đã bắt đầu sôi động

Thực tế cũng dễ nhận thấy, thị trường hàng hóa Tết đã bắt đầu sôi động và nhiều mặt hàng như nước ngọt, bánh kẹo, mứt, thực phẩm khô… được các đơn vị kinh doanh bày bán đầy ắp các quầy kệ. Đáng chú ý, hàng hóa của những thương hiệu nội địa đang chiếm đa số. Điều này xuất phát từ thói quen tiêu dùng thay đổi theo hướng “người Việt dùng hàng Việt”, đồng thời giá cả các mặt hàng này rất đa dạng, hợp túi tiền của đông đảo người dân.

Trong hệ thống các siêu thị Go & BigC, WinMart hay Co.opmart, MM Mega Market… tỷ lệ hàng sản xuất trong nước chiếm đa số. Ông Lê Mạnh Phong – Giám đốc vùng miền Bắc chuỗi siêu thị GO!, Big C (Central Retail) cho biết, hiện trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống siêu thị có đến 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao. Cùng đó, siêu thị cũng thúc đẩy thu mua và bán các loại nông sản, thủy sản, thực phẩm tại địa phương.

Tại các siêu thị Vinmart, Co.opmart, Mega Market, Big C, Hapro Mart… các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước mắm đều có xuất xứ Việt Nam và được trưng bày từng khu riêng biệt để người tiêu dùng dễ lựa chọn.

Theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng. Đặc biệt, còn dành riêng một khu vực để các doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng giá dẫn tới hàng hóa tăng tương ứng. Để hạn chế hiện tượng này, giảm áp lực kinh tế cho người dân, các siêu thị đều cam kết không tăng giá hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc thường trực WinCommerce (quản lý chuỗi siêu thị Winmart) chia sẻ, Winmart có nhiều giải pháp vận chuyển, giao hàng tập trung để giảm giá thành. Ngoài ra, đơn vị cũng đã làm việc với hơn 300 nhà cung cấp để tăng sản lượng nguồn hàng, thực hiện các chương trình bình ổn giá trên toàn hệ thống.

Bộ phận đánh giá rủi ro quốc gia của công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions mới đây đưa ra dự báo, chi tiêu thực tế của hộ gia đình tại Việt Nam sẽ tăng 7,3% trong năm 2023, giảm nhẹ so với mức 7,5% của năm 2022. Doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng tích cực nhưng đã chậm lại do áp lực lạm phát gia tăng.

Báo cáo “Xu hướng số của người dùng trên không gian mạng” năm 2022 của Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc cũng cho thấy, người dùng thể hiện xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu. Trong bối cảnh Tết Nguyên Đán Quý Mão đang tới gần, người Việt có nhiều kỳ vọng với các nhãn hàng, đặc biệt là về giá cả và chất lượng dịch vụ. Có tới 65% người dùng quan tâm tới bình ổn giá và các chương trình giảm giá, khuyến mại…

Xuất phát từ thực trạng trên, bên cạnh việc đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, các địa phương cũng triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng. Năm nay, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán. Không chỉ giảm giá 30%, 50%, các mức khuyến mại không giới hạn mà tuỳ thuộc vào chiến lược và điều kiện của doanh nghiệp.