VNReport»Kinh tế»Hàng Việt xuất khẩu bứt phá trên sàn thương mại điện tử quốc tế

Hàng Việt xuất khẩu bứt phá trên sàn thương mại điện tử quốc tế

10:59 - 26/08/2024

Trong 5 năm qua, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 30%.

Báo Công thương điện tử mới đây đã công bố Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Thương mại điện tử (hay còn gọi là e-commerce) là hình thức mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các nền tảng trực tuyến, chủ yếu là Internet. Thay vì đến trực tiếp cửa hàng, bạn có thể thực hiện các giao dịch mua bán ngay tại nhà hoặc bất kỳ nơi nào có kết nối mạng.

Theo Báo cáo, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 2,5 tỷ USD, trong đó đáng chú ý nhất là quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3%.

Không chỉ thế, thống kê của Amazon Global Selling còn cho thấy, trong 5 năm qua, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 30%.

Được thành lập tại Mỹ năm 1994 bởi tỷ phú Jeff Bezos, Amazon là một trong những sàn thương mại điện tử lớn và được biết đến rộng rãi trên thế giới. Đây là một nền tảng trực tuyến nơi hàng triệu người bán và hàng tỷ người mua giao dịch với nhau với doanh thu hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Amazon cung cấp một kho tàng sản phẩm đa dạng, từ sách, quần áo, đồ điện tử cho đến thực phẩm, đồ gia dụng và nhiều hơn nữa.

Trong kỷ nguyên số 4.0 với xu hướng tất yếu của người tiêu dùng là thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử sẽ trở thành “chiến trường” chính đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Dẫn đầu xu hướng đó và trở thành một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới với số lượng người dùng truy cập lên tới hàng triệu mỗi ngày, việc sản phẩm của Việt Nam bán ra trên sàn thương mại điện tử này tăng hơn 30% trong 5 năm qua đã cho thấy sự mở rộng phạm vi của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Thông qua nền tảng sàn thương mại điện tử Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm

Được biết, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần. Chưa kể đến, thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ…

Tiềm lực phát triển thương mại điện tử cho hàng xuất khẩu

Tại Toạ đàm “Phát triển thương mại điện tử – Cơ hội, động lực và thách thức” được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14/8 vừa qua, PGS.TS Trần Minh Tuân – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số – Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chia sẻ về những cơ hội phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Tuấn đã nhấn mạnh rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới đang có những cơ hội phát triển rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam gần với thị trường rất lớn là Trung Quốc. Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã xây dựng các nền tảng thương mại điện tử B2B, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới như: Amazon, Alibaba, Timo… Điều này giúp hàng hóa khi lên sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng tương ứng xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, kết nối người mua trực tiếp với người bán cũng như nhà sản xuất.

Theo một số báo cáo thông tin về thị trường, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm đến khoảng 20-22% giá trị của thương mại điện tử toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 2,3 lần thương mại điện tử.

Một vài thống kê cho thấy, từ năm 2019 đến hết năm 2023, những sản phẩm sức khỏe – chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên các trang TMĐT toàn cầu như Amazon, Alibaba. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu khai thác đúng cách và hiệu quả, các DN Việt Nam có thể tăng tốc mở rộng kinh doanh toàn cầu qua TMĐT.

Bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương chia sẻ, Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… Điều này mở ra dư địa và tiềm năng rất lớn cho thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bà Anh cung cấp một số ước tính về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam. Cụ thể, năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỷ USD. Và nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng thương mại điện tử cũng như Nhà nước, thì kỳ vọng sẽ đạt hơn 11 tỷ USD vào năm 2027.

Bên cạnh đó, giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ về tiềm năng của các sản phẩm của Việt Nam. Đáng chú ý, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, ở Việt Nam có đặc thù sản xuất tại nội địa rất mạnh.

Đầu tiên là nông nghiệp và sản xuất nông sản, Việt Nam là một nước nông nghiệp với khí hậu và đất đai thuận lợi cho nhiều loại cây trồng như lúa gạo, hoa quả nhiệt đới, cà phê, cao su, hồ tiêu,… Do đó, Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.

Thứ hai là công nghiệp chế tạo. Việt Nam đã phát triển mạnh một số ngành công nghiệp chế tạo như dệt may, điện tử, ô tô, tàu thuyền,… Những sản phẩm này đều có sức cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế.

Tiếp theo là công nghiệp hỗ trợ như cơ khí, sản xuất linh kiện, phụ tùng,… cũng có vị thế nhất định trong và ngoài nước, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Đặc thù sản xuất nội địa cùng với nguồn lao động dồi dào và có tay nghề tốt trở thành tiềm lực mở ra “cánh cửa online” cho hàng Việt xuất khẩu.

Theo: https://congthuong.vn/mo-canh-cua-online-cho-hang-viet-xuat-khau-341393.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews