VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Hầu hết doanh nghiệp Việt phục hồi hoàn toàn sau đại dịch

Hầu hết doanh nghiệp Việt phục hồi hoàn toàn sau đại dịch

15:48 - 15/09/2022

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang ghi nhận sự phục hồi ấn tượng sau đại dịch Covid-19.

Triển vọng kinh tế lạc quan

Trong khảo sát các DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam do Vietnam Report thực hiện tháng 8/2022 cho thấy, hơn 2/3 số đơn vị có doanh thu đã quay trở lại hoặc vượt mức trước khi đại dịch bùng phát.

Đáng chú ý, trong nhóm DN vượt và đạt mức doanh thu, chỉ có khoảng 6,2% số DN chưa đạt mức lợi nhuận trước đại dịch. Điều này cho thấy hầu hết DN phục hồi sau đại dịch. Đặc biệt, gần 74% số DN tham gia khảo sát trong tháng 8/2022 cho biết họ đã hoàn thành trên 50% kế hoạch lợi nhuận của năm tài chính 2022. Trong số đó, 2/5 số DN đã đạt trên 80% kế hoạch lợi nhuận. Với kết quả tích cực này, cộng đồng DN hoàn toàn có cơ sở lạc quan về triển vọng kinh tế và khả năng sinh lời cả năm 2022.

Hơn 2/3 doanh nghiệp đã có doanh thu bằng hoặc vượt mức trước khi đại dịch bùng phát

Ở góc độ vĩ mô, với những thành tựu bứt phá trong tháng 8 vừa qua, triển vọng tăng trưởng quý III và cả năm của Việt Nam đang trở lên lạc quan hơn nhiều so với những dự báo đầu năm. Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt 7,5% trong cả năm 2022, cải thiện đáng kể so với mức 5,5% dự báo hồi đầu năm.

Theo khảo sát của Vietnam Report, 78,3% DN dự kiến tăng trưởng từ 5% – 6,5%. Đây là mức dự báo an toàn bởi tăng trưởng cả năm còn phụ thuộc vào 2 quý còn lại của năm 2022 với những áp lực đến từ tăng giá đầu vào cùng nguy cơ lạm phát gia tăng và bất ổn chính trị trên thế giới. Khảo sát cũng cho thấy 73,9% DN tỏ ra lạc quan ở mức vừa phải về triển vọng khả năng sinh lời trong năm nay.

Liều thuốc kích thích phục hồi

Dù tỏ ra khá lạc quan về triển vọng phục hồi năm 2022, song hơn 2/3 DN cho biết áp lực lạm phát đang có xu hướng gia tăng và bất ổn kinh tế – chính trị trên thế giới là những khó khăn lớn nhất mà họ đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, tình trạng gián đoạn do dịch bệnh gây ra; đứt gãy chuỗi cung ứng; sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất cũng là những thách thức lớn cản đà phục hồi của DN.

Bên cạnh đó, áp lực tăng giá của đầu vào sản xuất đang đặt ra các nguy cơ, thách thức mới cho DN cũng như cả nền kinh tế Việt Nam trong việc thúc đẩy sự gia tăng sản lượng ở cấp độ vi mô, cũng như việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dưới góc độ vĩ mô. Có đến 96,1% DN đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất. Đặc biệt, cường độ áp lực tại 1/3 số DN này đang ở mức rất cao. Các khoản gia tăng chi phí sản xuất đối với cộng đồng DN Việt Nam trong những tháng cuối năm bao gồm: Lãi suất, tỷ giá hối đoái, giá xăng dầu, mặt bằng thuê, logistic…

Tuy vậy, bên cạnh khó khăn, thách thức, bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định đến từ việc lạm phát được kiểm soát tương đối ổn định, nền lãi suất duy trì ở mức thấp, các gói hỗ trợ chính sách, đặc biệt là việc nới room tín dụng gần đây đang tỏ ra hiệu quả trong việc hỗ trợ DN phục hồi kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế mới tiếp theo, dự báo các ngành sẽ tăng trưởng trong vài năm tới bao gồm: Vận tải/logistics, du lịch/giải trí, tài chính/ngân hàng, bán lẻ, dược phẩm/y tế, công nghệ thông tin/viễn thông. Trên thực tế, lợi nhuận của 2/3 nhóm ngành kể trên đã quay trở lại mức trước đại dịch nên được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, nhóm ngành du lịch/giải trí dù hiện tại chưa quay trở lại với mức trước đại dịch nhưng cũng được dự báo tăng trưởng trong vòng 1 – 2 năm tới. Trong khi ngành Công nghệ thông tin/viễn thông dù tăng trưởng tốt trong đại dịch nhưng tốc độ tăng trưởng được dự báo chậm lại, do rủi ro lạm phát và suy thoái tại các nền kinh tế lớn (Mỹ, châu Âu) có thể hạn chế nhu cầu về phần mềm toàn cầu.

Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Phong – Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), với tình hình giao thương gần như bình thường trở lại, bước sang năm 2023, Chính phủ cần đánh giá lại các gói nào cần duy trì để tiếp tục phục hồi kinh tế, gói nào cần cắt bỏ vì không còn phù hợp với bối cảnh mới.

PGS.TS. Nguyễn Anh Phong ủng hộ Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng như trong năm 2022. Năm 2022 chính là năm bản lề để các DN bắt đầu phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm, các hoạt động dần hồi phục như cũ chứ chưa hoàn toàn phục hồi như trước đại dịch. Do vậy, duy trì chính sách giảm thuế thu nhập DN và giá trị gia tăng ở một số hàng hóa, dịch vụ là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục ổn định và phục hồi tổng cung, tổng cầu, góp phần tăng trưởng kinh tế tốt hơn, gia tăng phúc lợi cho các tầng lớp dân cư.