VNReport»Kinh tế»Hiệp định thương mại tự do RCEP có hiệu lực vào tháng 1/2022

Hiệp định thương mại tự do RCEP có hiệu lực vào tháng 1/2022

10:49 - 04/11/2021

Việt Nam là 1 trong 15 thành viên của hiệp định này, bao gồm các nước ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo chính phủ Australia, hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu tháng 1 năm sau, nhằm tạo thuận lợi cho tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương.

Với 15 thành viên, RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới bất chấp sự vắng mặt của Mỹ. Đây cũng là hiệp định thương mại đầu tiên của Nhật Bản có sự tham gia của cả Trung Quốc và Hàn Quốc.

Khối thương mại RCEP chiếm khoảng 30% nền kinh tế thế giới.

Khối thương mại RCEP chiếm khoảng 30% nền kinh tế thế giới.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba, Dan Tehan, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư của Australia, cho biết hiệp ước có thể bắt đầu có hiệu lực sau khi Australia và New Zealand phê chuẩn. “RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi ít nhất 6 quốc gia ASEAN và ít nhất 3 quốc gia ngoài ASEAN phê chuẩn. Mốc đó đã đạt được vào ngày 2/11/2021 với sự phê chuẩn của Australia và New Zealand, mở đường cho RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1/2022”, tuyên bố cho biết.

RCEP được lập ra để xóa bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa và tiêu chuẩn hóa các quy tắc về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử cùng với những hoạt động thương mại khác. “Các doanh nghiệp sẽ có thể tận dụng những cơ hội của RCEP từ đầu năm tới”, Phil Twyford, bộ trưởng về tăng trưởng thương mại và xuất khẩu của New Zealand, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.

Hiệp định cũng nhằm mục đích thúc đẩy tối ưu hóa chuỗi cung ứng trong khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 30% sản lượng, kim ngạch thương mại và dân số của thế giới. Chính phủ Nhật Bản ước tính hiệp ước có thể nâng tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới lên khoảng 2,7%.

RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam; cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

“Australia đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đảm bảo rằng nông dân và doanh nghiệp của chúng ta có thể tiếp cận các lợi ích của hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới”, Tehan nói thêm. “RCEP sẽ củng cố mối quan hệ thương mại của Australia với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và báo hiệu cam kết của chúng tôi đối với cơ cấu kinh tế khu vực do ASEAN dẫn đầu”.