VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»H&M kiếm bộn tiền ở Việt Nam

H&M kiếm bộn tiền ở Việt Nam

09:44 - 04/04/2021

Thương hiệu thời trang Thuỵ Điển có doanh thu tốt sau ba năm kinh doanh ở đất nước hình chữ S.

H&M vào Việt Nam từ năm 2017 với cửa hàng đầu tiên được mở tại TP HCM tháng 9/2017 và tăng nhanh quy mô sau ba năm. Đến hết tháng 12/2019, số cửa hàng tại Việt Nam của H&M tăng lên là 8 và đến nay là 12. Trong đó, 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 ở TP HCM. Hạ Long, Đà Nẵng, Cần Thơ mỗi địa phương có một cửa hàng.

Cửa hàng H&M đầu tiên ở Việt Nam mở tại TP HCM.

Doanh thu thuần năm 2019 tại thị trường Việt Nam của H&M đạt 434 triệu krona (hơn 1.114 tỷ đồng), tăng mạnh so với con số 271 triệu krona (717 tỷ đồng) của năm 2018. Quý 1/2021, doanh thu thuần tại thị trường Việt Nam của H&M đạt 146 triệu krona (hơn 386 tỷ đồng), tăng 5% so với cùng kỳ 2019. Trong quý này, hãng cũng mở mới hai cửa hàng tại Việt Nam.

Lợi nhuận trước thuế của H&M tại thị trường Việt Nam đạt tỷ lệ khá thấp. Năm 2018, lợi nhuận đạt 11 tỷ đồng và đến 2019 là 57 tỷ đồng trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận gộp tại 65-66%.

Trên thị trường thế giới những năm qua, H&M khá chật vật. Tại Thụy Điển, doanh thu thuần giảm 19%. Ở một số nước châu Âu khác như Đức, Đan Mạch, con số này lên đến trên 40%, Hong Kong giảm 35%, Nhật Bản giảm 20%, Singapore giảm 28%…

Trong ba tháng đầu năm 2021, H&M mở mới 15 cửa hàng ở các thị trường nhưng số lượng đóng cửa lên đến 84. Số cửa hàng H&M phải đóng cửa tại Tây Ban Nha, tính đến quý 1/2021, đạt kỷ lục 23 cửa hàng. Hãng này từng phải đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở Nam Phi vì lỗi quảng cáo phân biệt chủng tộc khi nội dung quảng cáo có cậu bé da màu mặc chiếc áo nỉ chui đầu có in trước ngực dòng chữ “coolest monkey in the jungle” (chú khỉ ngầu nhất rừng xanh).

Gần đây, H&M bị tẩy chay tại Trung Quốc khi tuyên bố không mua bông sản xuất ở Tân Cương. Loạt cửa hàng tại đất nước đông dân nhất thế giới cũng phải đóng cửa.