VNReport»Kinh tế»Kinh tế Việt Nam đi xuống 4 tháng liên tiếp

Kinh tế Việt Nam đi xuống 4 tháng liên tiếp

09:20 - 08/09/2021

Theo ngân hàng ANZ, hoạt động kinh tế ở Việt Nam giảm liên tục từ tháng 5 đến tháng 8, và tháng 9 cũng có một “khởi đầu tồi tệ”.

Theo ngân hàng ANZ, hoạt động kinh tế ở Việt Nam giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 8, đánh dấu chuỗi suy yếu dài nhất kể từ sau đại dịch.

Tháng 9 cũng có một “khởi đầu tồi tệ”, theo báo cáo hôm thứ Ba của Dhiraj Nim, nhà kinh tế và Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á. “Dữ liệu đi lại của Google đã giảm mạnh, sụt gần 70% dưới mức cơ bản… điều này còn tồi tệ hơn nhiều so với tháng 4 năm ngoái, khi các biện pháp ngăn chặn dịch ở mức nghiêm ngặt nhất”, báo cáo viết.

Ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày đang tăng, tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp. Việc triển khai tiêm chủng tăng tốc trong nửa đầu tháng 8 nhưng chậm lại. Dưới 20% dân số được tiêm ít nhất liều đầu tiên và chỉ 3% dân số được tiêm chủng đầy đủ, mức thấp nhất ở châu Á.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Các tác giả lưu ý trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng xấu đi, lực cản đối với xuất khẩu là đặc biệt rõ ràng. Xuất khẩu từng là trụ cột của tăng trưởng cho đến khi làn sóng đại dịch mới dẫn đến việc ngừng hoạt động ở các trung tâm sản xuất vào giữa năm nay.

Tác động tiêu cực có thể nhìn thấy trong mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, đi xuống trong 5 tháng liên tiếp và rơi vào vùng giảm trong tháng 8.

Các chỉ số khác về tiêu dùng và đầu tư, chẳng hạn như doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp, cũng giảm sút trong tháng 8. Đặc biệt chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm sâu xuống mức 40,2, mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Các chỉ số phụ quan trọng về sản lượng, đơn đặt hàng mới và chỉ số sản lượng trong tương lai cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, tăng trưởng nhập khẩu được duy trì tương đối tốt, phản ánh mức độ thay thế của hàng hóa nước ngoài do sản xuất trong nước bị hạn chế trong bối cảnh giãn cách xã hội, báo cáo lưu ý.

Tháng trước, ANZ hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 đối với Việt Nam từ 7,7% vào đầu năm xuống còn 5,2%.

Dù dự báo xấu về triển vọng ngắn hạn của kinh tế Việt Nam, các tác giả vẫn lạc quan về tiềm năng đầu tư dài hạn. “Nhìn chung, còn có những rủi ro giảm đối với dự báo tăng trưởng GDP 5,2% của chúng tôi cho năm 2021. Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng các yếu tố cơ cấu khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn với tư cách là một trung tâm sản xuất vẫn còn nguyên vẹn”, báo cáo viết.