VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Hoạt động sản xuất của Nga tăng mạnh nhất trong hơn ba năm

Hoạt động sản xuất của Nga tăng mạnh nhất trong hơn ba năm

13:11 - 04/10/2022

Bất chấp loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây đang đè nặng lên nền kinh tế Nga, hoạt động sản xuất trong tháng 9 của nước này vẫn tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 3,5 năm.

Báo cáo Chỉ số nhà quản lý mua hàng toàn cầu (PMI) của S&P Global mới công bố cho thấy PMI tháng 9 của Nga đã tăng từ mức 51,7 trong tháng 8 lên 52,0 trong tháng 9, đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2019.

Tuy nhiên, nhu cầu mua hàng chủ yếu đến từ trong nước do các đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh. Theo S&P Global, sự sụt giảm nhu cầu của khách hàng nước ngoài là do mất khách hàng và ảnh hưởng bởi tác động của các lệnh trừng phạt. Tuy vậy, tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp tại Nga đang tăng nhờ việc phát triển sản phẩm mới, hoạt động thay thế hàng nhập khẩu và kỳ vọng nhu cầu của khách hàng lên cao.

Sản lượng sản xuất của Nga trong tháng 9 cũng lên cao nhất kể từ tháng 3/2019. Ngoài ra, tỉ lệ việc làm ở Nga cũng tăng cao nhất kể từ tháng 1. Đây được cho là kết quả của nhu cầu sản xuất lớn hơn và sự gia tăng đơn đặt hàng mới.

Nền kinh tế Nga đang nỗ lực đứng vững giữa các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây

Dù vậy, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh động viên một phần quân đội được cho là sẽ tác động lên lực lượng lao động Nga. Bên cạnh đó, sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, hàng loạt quốc gia như Mỹ, Canada và Anh đã tung loạt lệnh trừng phạt mới lên Nga.

Cụ thể, Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ đã bổ sung thêm 57 tổ chức ở Nga và Crimea vào danh sách cấm xuất khẩu, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 người trong khu liên hợp công nghiệp – quân sự của Nga, 2 lãnh đạo của ngân hàng trung ương, thành viên gia đình của các quan chức hàng đầu và 278 thành viên của cơ quan lập pháp.

Canada đã công bố các biện pháp chống lại hàng chục nhà tài phiệt, giới tài chính và thành viên gia đình của họ, cùng với 35 quan chức cấp cao do Nga hậu thuẫn tại các khu vực diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Anh cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina và áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ mới, nhằm vào các lĩnh vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế Nga.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng căng thẳng, Nga đang xích lại gần châu Á hơn, đặc biệt là Trung Quốc với hy vọng giúp nền kinh tế chống chịu trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo CNN, mối quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc thời gian qua đang bùng nổ. Thương mại song phương đang ở mức kỷ lục khi Trung Quốc mua dầu và than để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó, Nga trở thành thị trường hàng đầu cho tiền tệ của Trung Quốc và các công ty Trung Quốc đang gấp rút lấp khoảng trống bị bỏ lại tại Nga khi các thương hiệu phương Tây “dứt áo ra đi”.

Mặt khác, 4 khu vực của Ukraina mới sáp nhập vào Nga có tiềm năng công nghiệp và nông nghiệp kinh ngạc hứa hẹn là lực đẩy cho kinh tế Nga trong tương lai. Các vùng lãnh thổ có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, mang lại những cơ hội lớn nhờ các cảng biển và các tuyến hàng hải với miền nam nước Nga. Các chuyên gia ước tính, các khu vực này đóng góp tiềm năng cho nền kinh tế Nga có thể trị giá hàng nghìn tỉ rúp hoặc thậm chí nhiều hơn.