VNReport»Kinh tế»Hơn 200.000 người chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong ba tháng đầu năm

Hơn 200.000 người chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong ba tháng đầu năm

11:27 - 19/04/2022

Số người lao động chọn hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ năm 2016 đến năm 2020, có hơn 3,7 triệu người lựa chọn hưởng BHXH một lần. Điều này nghĩa là bình quân mỗi năm

có gần 750.000 người ra khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Trong 3 tháng đầu năm nay, xu hướng này gia tăng với hơn 200.000 người hưởng BHXH một lần – tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cứ 2 người mới tham gia đóng BHXH thì có 1 người xin rút một lần. Trong đó, 97% người chọn rút một lần là người lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Đối tượng rút tiền chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ từ 26 đến 29 tuổi, làm việc ngoài khu vực nhà nước.

Cứ 2 người mới tham gia đóng BHXH thì có 1 người chọn rút BHXH một lần.

Cứ 2 người mới tham gia đóng BHXH thì có 1 người chọn rút BHXH một lần.

Theo ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), kết quả khảo sát do cơ quan này thực hiện vào tháng 3/2022 với hơn 1.500 lao động cho thấy: hơn 56% người lao động cho rằng tiền lương và thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống, 21% nói rằng họ phải chi tiêu tằn tiện, và hơn 13% cho biết thu nhập hiện tại của họ không đủ sống. Nhiều người lao động phải vay mượn để chi tiêu, không đủ sống đã chọn rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.

Ông Quảng cho rằng: “Chúng ta cũng cần phải tăng cường tuyên truyền cho người lao động, những người tham gia BHXH hiểu rõ, tránh có tình trạng, tránh có những phản ứng không tốt, ảnh hưởng đến quan hệ lao động cũng như an ninh trật tự”.

Theo ông, cũng cần “phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt là quan tâm đến nâng cao thu nhập, đời sống, tiền lương, tiền công cho người lao động. Khi họ có quan hệ lao động thì tiền lương của họ vừa đảm bảo cuộc sống, có phần tích lũy để khi có những rủi ro, không có việc làm thì họ còn có điều kiện để duy trì cuộc sống, để tiếp tục tham gia BHXH, hưởng chế độ BHXH hưu trí lâu dài”.

Trước tình trạng người lao động rút BHXH một lần ngày càng nhiều, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng cần tăng cường tuyên truyền về các chính sách BHXH cho người lao động.

“Chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào thực tế là một bộ phận người dân có cuộc sống còn rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng còn khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Riêng việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động thôi, trong các cuộc họp, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đều cảnh báo và đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp, không trả lương được tất cả thì phải giữ được BHXH cho người lao động, giữ được mức lương cơ bản”, ông Dung cho biết.

Theo Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương năm 2018 về cải cách chính sách BHXH, thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu có thể giảm xuống từ 20 năm còn 15 năm, thậm chí thậm chí 10 năm. Sắp tới, Chính phủ có thể sẽ xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật BHXH sửa đổi và Luật Việc làm để sửa đổi các quy định theo Nghị quyết của Trung ương, với kỳ vọng tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH.