VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Hơn 3,7 triệu cá nhân và tổ chức tại Việt Nam đang kiếm sống từ các nền tảng số

Hơn 3,7 triệu cá nhân và tổ chức tại Việt Nam đang kiếm sống từ các nền tảng số

09:59 - 26/12/2024

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có trên 3,7 triệu cá nhân và tổ chức kiếm sống bằng thu nhập từ các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử… Đây là một con số ấn tượng, phản ánh quy mô và tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Phiên thảo luận tại Diễn đàn “Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) và công nghệ số năm 2024” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hồi tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Lâm Thành – Tổng giám đốc TikTok Việt Nam khẳng định: “Mức độ lan tỏa, tiếp cận của người dân và các doanh nghiệp Việt Nam với các nền tảng thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong một số năm trở lại đây”

Theo thống kê, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, tại Việt Nam, đã có trên 3,7 triệu cá nhân và tổ chức kiếm sống bằng thu nhập từ các nền tảng số, các sàn TMĐT.

Theo ông Thành, con số này là kết quả của làn sóng chuyển đổi số. Được biết, doanh thu TMĐT của Việt Nam đã đạt 20,5 tỷ USD vào năm 2023, thành công đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và trên thế giới. Đây là một bước ngoặt lớn trong quá trình chuyển đổi số của nước ta. Từ đây, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển R&D, trí tuệ nhân tạo …

Đồng thời, thanh toán không dùng tiền mặt cũng được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Thực tế, tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%. Đáng nói là TMĐT hiện nay không chỉ phát triển mạnh ở các thành phố lớn mà nó còn mở rộng phát triển ở các tỉnh, thành phố xa xôi, năng lực giao hàng của các công ty chuyển phát đã vươn tới các vùng sâu, vùng xa.

Với tốc độ và quy mô phát triển này, ứng dụng của TMĐT không chỉ dừng ở doanh nghiệp mà đã đi sâu tiếp cận từng cá nhân, người lao động. Theo đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử đã cử các đội hỗ trợ về từng địa phương để giúp người nông dân, các cá nhân cũng như doanh nghiệp tham gia và vận hành gian hàng điện tử của riêng mình.

Tính đến tháng 6-2024, Việt Nam có đến hơn 50 triệu người dùng YouTube trên 18 tuổi

Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2024, Shopee Việt Nam đã hỗ trợ 400 doanh nghiệp gia nhập vào sàn thương mại điện tử Shopee Choice của doanh nghiệp, đạt gần một nửa trong mục tiêu đưa 1.000 doanh nghiệp gia nhập sàn thương mại của công ty vào năm nay.

Trong khi đó, TikTok Việt Nam, thông qua các chương trình hỗ trợ trong gần 6 tháng đã đào tạo tư vấn cho hơn 6.500 doanh nghiệp và đưa được hơn 70.000 sản phẩm của Việt Nam lên sàn thương mại điện tử này.

Không chỉ riêng các sàn TMĐT, sự phát triển của mạng xã hội cũng mở ra một “kỷ nguyên kiếm tiền” cho người dùng từ các nội dung sáng tạo. hiện nay, chỉ bằng các thao tác click chuột, người dùng mạng xã hội hoặc người lao động hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội kiếm tiền trên Internet.

Công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và thu hút một lực lượng lao động trình độ cao với doanh thu khủng.

Tại Việt Nam, “mảnh đất” có sức hút nhất có lẽ là YouTube và TikTok. Ước tính cũng có lực lượng hàng triệu lao động tham gia vào lĩnh vực này.

Theo số liệu của năm 2022, số người Việt Nam kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội là 20.000 người, đem lại doanh thu ngoại tệ tương đương 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký) và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).

Hơn nữa, với tốc độ phát triển đến chóng mặt của các dịch vụ nội dung số, chỉ riêng trong năm 2022 đã có hơn 51 triệu kênh YouTube được tạo mới tương đương với mức tăng trưởng 36%. Trong đó, 306.000 kênh YouTube đạt hơn 100.000 người đăng ký, 29.000 kênh có hơn 1 triệu người đăng ký và 700 kênh có hơn 10 triệu người đăng ký. Số lượng tài khoản khổng lồ này cũng đem về cho YouTube hơn 1 tỷ giờ nội dung video được xem mỗi ngày.

Năm 2023, Việt Nam có đến hơn 30 triệu người xem YouTube trên TV, 77% người dùng còn cho rằng YouTube chính là truyền hình khi họ xem qua TV được kết nối mạng, hơn 1.100 kênh YouTube tại Việt Nam có trên 1 triệu người theo dõi…

Tính đến tháng 6-2024, Việt Nam có đến hơn 50 triệu người dùng YouTube trên 18 tuổi, chiếm hơn 90% dân số trực tuyến. Đặc biệt, số lượng kênh YouTube đạt doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm đã tăng 30% so với năm trước. Điều này cho thấy tiềm năng kiếm tiền bền vững mà nền tảng này mang lại cho các nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam. Ngoài ra, YouTube ghi nhận hơn 1.800 kênh đạt nút vàng (1 triệu người đăng ký) và 24.000 kênh đạt nút bạc (100.000 người đăng ký). Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc kiếm sống từ nội dung sáng tạo, các nhà sáng tạo Việt Nam còn tận dụng nền tảng để xây dựng thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp.

Nhìn chung, việc Internet xâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống với những ngành nghề mới đã phản ánh nền kinh tế số phát triển ở Việt Nam. Từ những người bán hàng online, làm freelancer, đến những nhà sáng tạo nội dung, tất cả đều đang tận dụng sức mạnh của Internet để tạo ra thu nhập và thực hiện ước mơ của mình, phát triển kinh tế số bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số cũng đặt ra không ít thách thức. Mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết, đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người Việt.

https://vneconomy.vn/hon-3-7-trieu-ca-nhan-va-to-chuc-tai-viet-nam-dang-kiem-song-tu-cac-nen-tang-so.htm