VNReport»Kinh tế»Tài chính»IMF cảnh báo “điều tồi tệ” với kinh tế thế giới

IMF cảnh báo “điều tồi tệ” với kinh tế thế giới

09:50 - 12/10/2022

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm sau xuống 2,7%, cảnh báo năm 2023 “sẽ giống như một cuộc suy thoái”

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào thứ Ba cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu cho năm sau, cảnh báo nền kinh tế thế giới đang hướng tới “vùng bão tố” và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng tăng nếu các ngân hàng trung ương lớn không thành công trong cuộc chiến chống lạm phát.

Tổ chức có trụ sở tại Washington cho biết trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của mình rằng GDP toàn cầu vẫn được dự báo tăng trưởng 3,2% trong năm nay, nhưng chậm lại đáng kể vào năm 2023 với tốc độ chỉ còn 2,7%. Con số này thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với ước tính trước đó và thấp hơn nhiều so với dự báo 3,8% hồi đầu năm, cho thấy nền kinh tế toàn cầu đã suy yếu nhiều như thế nào trong những tháng gần đây.

Theo IMF, lạm phát có thể tiếp tục cao lâu hơn dự kiến ​​trước đó. Họ dự báo tốc độ tăng giá cả sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay và giảm từ 8,8% năm 2022 xuống còn 6,5% năm 2023.

IMF dự báo lạm phát vẫn cao trong năm 2023, sau khi đạt đỉnh cuối năm nay.

IMF dự báo lạm phát vẫn cao trong năm 2023, sau khi đạt đỉnh cuối năm nay.

“Ba nền kinh tế lớn nhất, Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng euro, sẽ tiếp tục đình trệ”, Pierre-Olivier Gourinchas – nhà kinh tế trưởng của IMF – cho biết.”Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”.

Các nền kinh tế tiên tiến được dự báo tăng 1,1% trong năm 2023 – giảm 0,3 điểm phần trăm so với hồi tháng 7 – mức thấp nhất trong 41 năm ngoại trừ thời kỳ khủng hoảng tài chính và đầu đại dịch Covid-19. Triển vọng cực kỳ xấu đối với khu vực đồng euro, khi IMF hạ dự báo 0,7 điểm phần trăm xuống chỉ còn 0,5%. Tăng trưởng của Mỹ ước tính giảm từ 1,6% năm nay xuống 1% năm sau.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo mở rộng 3,2% trong năm 2022 – tốc độ chậm thứ hai trong 4 thập kỷ sau năm 2020 – và tăng trưởng tương đối chậm 4,4% trong năm 2023.

IMF dự kiến ​​rằng khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ bước vào suy thoái kỹ thuật trong năm nay và năm tới. Suy thoái kỹ thuật được định nghĩa là ít nhất 2 quý liên tiếp mà GDP thu hẹp. Tổng cộng, sản lượng kinh tế bị mất cho đến năm 2026 được dự báo khoảng 4 nghìn tỷ USD.

Mỹ đã ghi nhận suy thoái kỹ thuật sau khi tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức âm trong 2 quý đầu năm – với GDP thu hẹp 1,6% trong quý I và 0,6% trong quý II. Điều này xảy ra khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với lạm phát nóng nhất trong 4 thập kỷ và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngày càng quyết liệt cố gắng kiểm soát giá cả với lãi suất cao hơn.

Fed thậm chí phải đối mặt với những lời kêu gọi – bao gồm cả từ Liên Hợp Quốc – tăng lãi suất chậm lại trong bối cảnh lo ngại rằng chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh có thể gây ra khủng hoảng kinh tế lan rộng khắp các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, IMF cho biết trong báo cáo mới rằng nếu các nhà hoạch định chính sách hành động quá ít để chống lại lạm phát bây giờ, cuộc chiến sẽ trở nên khó khăn hơn sau này. Họ cũng kêu gọi các chính phủ tránh ban hành những chính sách tài khóa có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát.

Trong trường hợp xấu, triển vọng kinh tê thế giới có thể trở nên u ám nếu xuất hiện một “sự kết hợp có thể xảy ra của các cú sốc”, bao gồm giá dầu tăng vọt 30% so với mức hiện tại, đẩy tăng trưởng toàn cầu xuống 1,0% trong năm tới. Những thành phần khác trong “kịch bản tiêu cực” này bao gồm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc giảm mạnh, điều kiện tài chính thắt chặt hơn nhiều do đồng tiền của các thị trường mới nổi giảm giá và thị trường lao động tiếp tục quá nóng dẫn đến sản lượng tiềm năng thấp hơn.

IMF đưa ra xác suất 25% tăng trưởng toàn cầu rơi xuống dưới 2% trong năm tới – một hiện tượng chỉ xảy ra 5 lần kể từ năm 1970 – và cho biết có hơn 10% khả năng GDP toàn cầu thu hẹp.