VNReport»Kinh tế»Tài chính»IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, cảnh báo nguy cơ suy thoái

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, cảnh báo nguy cơ suy thoái

11:48 - 27/07/2022

IMF hạ triển vọng kinh tế, đồng thời tăng dự báo lạm phát toàn cầu.

Hôm thứ Ba, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 và 2023, cảnh báo nền kinh tế thế giới đối mặt với một tương lai “u ám và bất ổn hơn”, có thể bao gồm suy thoái.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, tổ chức có trụ sở tại Washington cho biết rằng GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay – giảm 0,4 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 4. IMF dự kiến ​​tăng trưởng toàn cầu giảm tốc hơn nữa xuống 2,9% trong năm sau, giảm 0,7 điểm phần trăm so với ước tính trước đó. Năm ngoái, kinh tế thế giới tăng trưởng 6,1% sau cuộc suy thoái ngắn nhưng sâu vào năm 2020.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần lượt 0,4 và 0,7 điểm phần trăm trong năm nay và năm sau.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần lượt 0,4 và 0,7 điểm phần trăm trong năm nay và năm sau.

Triển vọng mới được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm ảnh hưởng từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, lạm phát nóng nhất trong nhiều thập kỷ và các vụ phong tỏa liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc.

“Triển vọng đã trở nên u ám đáng kể kể từ tháng 4”, Pierre-Olivier Gourinchas – nhà kinh tế trưởng của IMF – cho biết trong một bài viết trên blog kèm theo báo cáo mới nhất. “Thế giới có thể sẽ sớm tiến đến bờ vực của cuộc suy thoái toàn cầu, chỉ 2 năm sau cuộc suy thoái gần nhất”.

Lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến ​​của IMF và lan rộng ra khắp nền kinh tế. Cơ quan này hiện dự đoán rằng giá tiêu dùng sẽ tăng hơn nữa trong năm nay – đạt 6,6% ở các nước giàu và 9,5% ở các nước đang phát triển – do giá thực phẩm và năng lượng tăng, cũng như sự mất cân bằng cung cầu tiếp diễn.

Nhìn chung, IMF dự báo chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu tăng 8,3% trong năm nay, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 1996. Con số đó cao hơn ước tính hồi tháng 4 là 6,9%.

Ở Mỹ, tốc độ tăng giá cả nhanh chóng buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong 3 thập kỷ. Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này thông qua đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 6 – lần đầu tiên kể từ năm 1994 – và dự kiến ​​sẽ tăng cùng mức đó vào thứ Tư.

Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát hoành hành.

Bằng cách tăng lãi suất – khiến lãi suất cho vay tiêu dùng và kinh doanh cao hơn – các ngân hàng trung ương hy vọng sẽ hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng và cho phép nguồn cung có thời gian bắt kịp. Nhưng rủi ro là việc tăng lãi suất quá cao và quá nhanh có thể gây ra suy thoái kinh tế.

IMF cho biết trong báo cáo: “Với việc giá cả ngày càng tăng tiếp tục bóp nghẹt mức sống trên toàn thế giới, việc kiềm chế lạm phát nên là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách”.

IMF dự kiến ​​sẽ đưa ra một vòng dự báo cập nhật khác vào tháng 10.