VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Kế hoạch lợi nhuận thấp chưa từng thấy của đại gia ngành bia

Kế hoạch lợi nhuận thấp chưa từng thấy của đại gia ngành bia

08:50 - 03/07/2023

Habeco đặt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2023 thấp nhất trong 15 năm qua, kể từ khi cổ phần hóa năm 2008.

Ngày 28/6, Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco – BHN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Đại hội ban hành nghị quyết bầu ông Trần Đình Thanh – phụ trách Bộ phận đại diện phần vốn Nhà nước, Thành viên HĐQT – giữ chức Chủ tịch HĐQT BHN nhiệm kỳ 2023-2028 từ 28/06.

Bổ nhiệm lại có thời hạn ông Ngô Quế Lâm – Đại diện phần vốn Nhà nước, Thành viên HĐQT – giữ chức Tổng Giám đốc BHN từ ngày 28/06. Ban kiểm soát (BKS) BHN bầu bà Chử Thị Thu Trang làm Trưởng BKS.

Tiền thân của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội là Nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890. Ngày 6/5/2003, Bộ trường Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 75/2003/QĐ-BCN thành lập Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (viết tắt là HABECO).

Habeco, đại gia ngành bia có kế hoạch lợi nhuận thấp chưa từng thấy.

Từ ngày 16/6/2008, Tổng công ty chính thức chuyển đổi mô hình tổ chức từ một Tổng Công ty Nhà nước  sang Tổng Công ty Cổ phần. Tính tới hết quý 1/2023, BHN có 2 cổ đông lớn là Bộ Công Thương (sở hữu hơn 189 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 81,79%) và Carlsberg Breweries A/S (sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 17,34%).

Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 6.938,1 tỷ đồng (tăng 5% so với kế hoạch) và tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 517,5 tỷ đồng (tăng 88,2%).

Trong năm 2023, dự báo giá một số nguyên vật liệu chính cho sản xuất bia như bột trợ lọc, hoa houblon, gạo, đường tiếp tục tăng. Bột trợ lọc có thể tăng khoảng 25%, giá hoa Houblon tăng khoảng 10%, giá đường tăng khoảng 8%, giá gạo tăng khoảng 4%. Đặc biệt, giá Malt-nguyên vật liệu quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất bia có thể tăng đến 60% so với giá bình quân mua vào năm 2022.

Vì vậy, Habeco thông qua kế hoạch kinh doanh thụt lùi. Cụ thể, doanh thu dự kiến đạt hơn 7.367 tỷ đồng (tăng 6% so với kết quả thực hiện năm 2022) nhưng tổng lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt dự kiến đạt 273,9 tỷ và 222,1 tỷ đồng; giảm tới 47% – đây sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất của Habeco trong 15 năm, kể từ khi cổ phần hóa năm 2008.

Doanh thu quý 1/2023 của Habeco đạt 1.173 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 35 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Habeco báo lỗ sau 3 năm, kể từ quý 1/2020. Kết thúc 3 tháng đầu năm, BHN đi được 11% kế hoạch doanh thu và 16% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tính đến hết quý 1, doanh nghiệp nắm trong tay 670 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 30% so với đầu năm. Habeco cũng có khoản tiền gửi có kỳ hạn 3-12 tháng lên tới 2.284 tỷ đồng. Tài sản công ty đến ngày 31/3 giảm 9% so với đầu năm xuống còn 6.581 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Habeco thu hẹp từ 1.928 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 1.280 tỷ đồng nhờ điều chỉnh hàng loạt đầu mục, tiêu biểu nhất là các khoản phải trả người bán ngắn hạn, phải trả người lao động và phải trả Nhà nước. Công ty cũng có khoản vay ngân hàng ngắn hạn trị giá 80 tỷ đồng.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, sau khi dành hơn 42,1 tỷ đồng để trích lập các quỹ công ty mẹ, phần lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức của Habeco là 278,1 tỷ đồng. Với số tiền này, công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12%.

Về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 và 2023, Habeco dự tính tỷ lệ chi trả lần lượt là 15% và 8%.