VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản tiếp tục suy giảm

Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản tiếp tục suy giảm

09:57 - 23/11/2023

Lượng tiền mặt của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết rơi xuống thấp nhất trong 5 năm, theo VIS Rating.

Các doanh nghiệp phát triển bất động sản nhà ở niêm yết đang phải đối mặt với áp lực trả nợ ngày càng lớn khi lợi nhuận sụt giảm và dự trữ tiền mặt rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm, theo Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating)

Trong những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể thanh toán lãi hoặc gốc các khoản nợ trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng và dư cung bất động sản cao cấp.

Trong một báo cáo công bố ngày 22/11, VIS Rating cho biết: “Khả năng trả nợ của phần lớn các công ty tiếp tục suy giảm”.

Novaland là một trong số những doanh nghiệp bất động sản niêm yết phải tái cơ cấu nợ.

Novaland là một trong số những doanh nghiệp bất động sản niêm yết phải tái cơ cấu nợ.

Các doanh nghiệp bất động sản niêm yết – bao gồm một số công ty có giá trị vốn hóa vào hàng lớn nhất thị trường chứng khoán – phải đối mặt với lượng trái phiếu đáo hạn lên tới khoảng 114.000 tỷ đồng trong năm nay và năm sau, bằng hơn 1% GDP cả nước.

Trong số đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) – công ty đang đàm phán với trái chủ về việc tái cơ cấu nợ sau khi trễ hạn thanh toán các khoản nợ gốc và lãi.

VIS Rating cho biết tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết xấu đi trong 9 tháng đầu năm do doanh thu, lợi nhuận kém đi và nguồn tiền mặt giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tỷ lệ nợ tăng dù tổng nợ giảm 16% trong 9 tháng đầu năm.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết giảm lần lượt 38% và 81% so với cùng kỳ năm 2022, xuống thấp nhất trong 6 năm qua. Chỉ có một số ít chủ đầu tư có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2023 nhờ bàn giao các dự án lớn, như VHM, AGG, NLG và KDH. Những dự án này nằm ở các thành phố loại 1 và vùng ngoại ô, nơi có nhu cầu nhà ở cao và không gặp vướng mắc pháp lý.

Tuy nhiên, đơn vị này lưu ý rằng khả năng tiếp cận tài chính đã được cải thiện nhờ nguồn tín dụng mới từ các ngân hàng.

Hồi tháng 9, Ngân hàng Phát triển Châu Á cảnh báo về khả năng cuộc khủng hoảng bất động sản lan sang hệ thống ngân hàng.

VIS Rating cho biết nguồn cung bất động sản mới thấp và tâm lý người mua nhà phục hồi chậm sẽ tiếp tục làm giảm doanh số bán nhà của các chủ đầu tư trong nửa đầu năm 2024, đồng thời lưu ý rằng hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản dự kiến sẽ dần phục hồi từ nửa cuối năm tới.