VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Khan tàu, sốt vé dịp lễ 30/4-1/5: Nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh

Khan tàu, sốt vé dịp lễ 30/4-1/5: Nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh

14:44 - 13/04/2021

Tình trạng người dân đổ xô đi du lịch hoặc di chuyển về các địa phương trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh lớn.

Cháy vé từ “trên không” tới “mặt đất”

Đại diện các hãng bay Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways đều xác nhận dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã hết vé rẻ dù hãng đã tăng chuyến, mở thêm chặng bay. Khảo sát vé máy bay dịp lễ 30-4 và 1-5 của các hãng vào ngày 11-4 cho thấy hành trình bay từ TP.HCM – Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng vào ngày 29-4, giá vé trên 1,3 triệu đồng, hầu hết vé rẻ dưới 1 triệu đồng cách đây 3 tuần đã không còn. Chặng Hà Nội – Phú Quốc có mức giá tăng khá mạnh, một số chuyến bay đã hết vé rẻ, chỉ còn vé khá cao. Cặp vé khứ hồi hạng phổ thông từ 29-4 và trở về 3-5, hành khách bay chặng Hà Nội – Phú Quốc rẻ nhất là 7,9 triệu đồng, Bamboo Airways 7,3 triệu đồng, Vietjet là 6,9 triệu đồng.

Về vận tải đường sắt, với lượng khách đi tàu tăng từ 200-300% so với ngày thường, ga Hà Nội buộc phải lập thêm 12 đoàn tàu đi và 14 đoàn từ các tỉnh về trong toàn chiến dịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đồng thời thực hiện kéo các tàu rỗng từ địa phương về để tăng cường phục vụ nhu cầu của khách. Các chặng cao điểm có lượng khách tăng đột biến là: Hà Nội – Vinh, Đồng Hới, Huế, Thanh Hóa và Sapa. Hạng vé giường nằm điều hòa của các tàu chính đã hết cách đây 1 tháng.
Phía ga Sài Gòn cũng phải lập thêm 12 đoàn đi 4 điểm du lịch miền Trung là: Sài Gòn – Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết và Đà Nẵng. Theo thống kê so với dịp 30/4 -1/5 năm trước thì lượng khách đi tàu năm nay tăng lên 10%, tuy nhiên hiện các vé giường nằm của ga Sài Gòn vẫn còn và đang được mở bán tích cực.

Đối với vận tải hành khách bằng ô tô, dự kiến lưu lượng khách tăng tập trung tại các tuyến đường có chiều dài khoảng dưới 500km như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng, Việt Trì, Vinh, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai…
Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội nhận định khách về các bến tăng cao vào chiều 27/4 và ngày 28/4 (tập trung chủ yếu vào buổi sáng), vì thế Công ty sẽ tăng cường khoảng 350 lượt xe/ngày, trong đó tại bến xe Phía Nam là 120 lượt xe/ngày, tại Mỹ Đình là 180 lượt xe/ngày, tại bến xe Gia Lâm là 50 lượt xe/ngày.

Tuy có đầy đủ kế hoạch với các phương án tăng cường xe giải tỏa khách, nhưng đối với chặng tuyến đi các điểm du lịch như: Sapa (Lào Cai), Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Vinh, Thanh Hóa… vẫn rất căng thẳng. Được biết, hầu hết các xe giường nằm đến chiều 18/4 cũng đã được đặt kín chỗ.

Nguy cơ vẫn hiện hữu

Đến nay, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên trên thế giới lại đang bùng phát các đợt dịch mới. Biểu hiện chủ quan, lơ là phòng chống dịch ở nơi công cộng trên cả nước dẫn đến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là rất lớn.

Mặc dù không có ca lây nhiễm cộng đồng nhưng trong những ngày gần đây, vẫn còn xuất hiện những ca mắc mới. Sáng ngày 13/4, Bộ Y tế cho biết có 2 ca mắc COVID-19 ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh. Đây là các bệnh nhập cảnh đã cách ly ngay.

Trong khi đó, cả thế giới ghi nhận hơn 137 triệu ca nhiễm, gần 3 triệu ca tử vong. Tại hai nước khu vực Đông Nam Á là Campuchia và Thái Lan, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp. Cụ thể số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày bất ngờ tăng vọt lên 3 con số ở cả Campuchia lẫn Thái Lan.

Những con số trên cho thấy, dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, không có ca lẫy nhiễm cộng đồng nhưng chỉ một sơ xảy, chủ quan, thiếu kiểm soát là nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ hiện hữu.

PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết: Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn chưa lúc nào hết nguy cơ lây lan trong cộng đồng, do tình hình dịch bệnh trên thế giới và các quốc gia lân cận rất phức tạp dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tràn vào Việt Nam rất lớn. Ngành Y tế cũng chưa “hạ cấp” việc thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo 5K để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

“Trong lúc này, nếu người dân chủ quan, bỏ qua các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, sát khuẩn tay… chẳng may có một ca bệnh nhập cảnh trái phép từ nước ngoài, hoặc bỏ lọt một ca bệnh nhập cảnh thì nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là cực kỳ lớn” – PGS Phu cảnh báo.

“Càng dịp nghỉ lễ, người dân càng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho bản thân, cho gia đình và cả cộng đồng” – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo.