VNReport»Kinh tế»Tài chính»Khi lãi suất, điều kiện vay mua nhà cùng tăng

Khi lãi suất, điều kiện vay mua nhà cùng tăng

17:12 - 14/02/2025

Trong bối cảnh lãi suất cho vay mua nhà và điều kiện cho vay ngày càng tăng cao, khiến việc sở hữu một căn nhà trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Sở hữu một căn nhà riêng là mơ ước của nhiều người, tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng đủ khả năng để mua nhà. Hiện nay, không chỉ lãi suất mua nhà ngày càng tăng cao mà điều kiện vay mua nhà cũng tăng.

Theo đó, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), lãi suất vay mua nhà cố định trong 2 năm đầu là 7,5%/năm, tăng 0,5% so với tháng 10/2024. Để được hưởng lãi suất này, người mua nhà cần mua thêm bảo hiểm sức khỏe trị giá 15 triệu đồng. Sau 2 năm, lãi suất sẽ tăng lên 10,5%/năm.

Trong khi đó, ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) áp dụng lãi suất 7%/năm chỉ trong năm đầu, sau đó lãi suất sẽ thay đổi theo biên độ 3,5%/năm. Mức 7% này cũng tăng thêm 0,5% so với tháng 10/2024. Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Tế (VIB) đã tăng lãi suất từ 6,8% lên 7,3% trong năm đầu, sau đó lên 11%/năm.

Còn ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tăng lãi suất vay mua nhà từ 6% lên 6,5% trong 2 năm đầu (từ sau Tết Ất Tỵ) và sẽ điều chỉnh sau mỗi 6 tháng.

Ngoài ra, có một số ngân hàng nước ngoài giữ nguyên lãi suất cho vay nhưng yêu cầu nhiều điều kiện. Chẳng hạn, Shinhan Bank không còn gói vay cố định 1 năm với lãi suất 5,9% mà chỉ có gói 3 năm với lãi suất 7%. Nếu người vay gửi tiết kiệm 30 triệu đồng trong 6 tháng và mua bảo hiểm sức khỏe, lãi suất có thể giảm xuống 6,6%/năm.

Không chỉ lãi suất mua nhà ngày càng tăng cao mà điều kiện vay mua nhà cũng tăng.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh gia tăng lạm phát toàn cầu như hiện nay, việc duy trì mức lãi suất cho vay mua nhà thấp là khó. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, để hỗ trợ doanh nghiệp, dòng vốn tín dụng đã đổ vào lĩnh vực thương mại và dịch vụ, chiếm khoảng 65-67% tổng dư nợ tín dụng ở TPHCM, trong khi bất động sản chiếm hơn 27%. Tín dụng bất động sản tăng khoảng 6,8% so với năm trước, chiếm 21-22% tổng dư nợ tín dụng cả nước.

Trong khi đó, tín dụng vay tiêu dùng cá nhân không còn cao như trước, dù có tăng trưởng nhưng chậm, do giá nhà đất cao và lãi suất vay sau ưu đãi vẫn cao.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều ngân hàng đưa ra lãi suất vay thấp nhưng lượng giao dịch vay vẫn chưa tăng mạnh vì lãi suất thả nổi cao, có thể lên đến 11-13%/năm.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, với lãi suất vay mua nhà tăng, người dân sẽ cẩn trọng hơn khi quyết định vay tiền, nhất là khi giá căn hộ chung cư hiện khoảng 2-4 tỷ đồng. Nếu vay tối đa 80% giá trị căn hộ (khoảng 1,6-3 tỷ đồng) trong 30 năm với lãi suất 9%/năm, hộ vay phải trả khoảng 17-35 triệu đồng/tháng, khiến nhiều hộ có thu nhập từ 30-60 triệu đồng/tháng không dám vay.

Trong bối cảnh đó, để giải quyết nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét triển khai gói tín dụng với lãi suất 5%/năm, như cách đây 10 năm, từ nguồn ngân sách hoặc trái phiếu, thay vì phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại.

https://www.phunuonline.com.vn/khi-lai-suat-dieu-kien-vay-mua-nha-cung-tang-a1541708.html