Alphabet vừa công bố doanh thu trong quý IV/2022 chỉ đạt hơn 76 tỷ USD nhưng tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của công ty chủ quản của Google đạt 13,6 tỷ USD trong ba tháng cuối năm 2022, giảm khoảng 1/3 so với năm trước và thấp hơn dự báo của các nhà phân tích Phố Wall.
Theo dữ liệu do Factset tổng hợp, doanh thu từ quảng cáo – một trong những mảng quan trọng trong kinh doanh của Google giảm sút mạnh, chỉ còn 63,1 tỷ USD. Đây cũng là quý thứ hai kết quả kinh doanh của Google giảm sút sau khi công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào năm 2004.
Giá cổ phiếu của Alphabet cũng đã giảm khoảng 6% trên thị trường sau khi phát hành ngay sau khi thông tin về doanh thu được công bố.
Tháng trước, ông lớn công nghệ này cũng đã thông báo kế hoạch sa thải 12.000 nhân viên nhằm đảo ngược tình trạng tuyển dụng quá mức trong đại dịch cũng như tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).

Loạt tập đoàn công nghệ ghi nhận doanh thu thấp trong năm 2022
Trong khi đó, Apple là “ông lớn” công nghệ duy nhất chưa công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự lớn trong những tuần gần đây và các nhà đầu tư đang đặc biệt chú ý đến kết quả kinh doanh của hãng sau khi Trung Quốc – “công xưởng” sản xuất dòng điện thoại thông minh iPhone nới lỏng biện pháp phòng dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Apple, doanh thu của hãng trong 3 tháng cuối năm 2022 đạt 117,1 tỷ USD, giảm 5,4% so với 1 năm trước. Đây là lần đầu tiên Apple ghi nhận sụt giảm doanh thu hàng năm kể từ năm 2019. Lợi nhuận của nhà sản xuất iPhone cũng giảm hơn 13% so với quý trước, xuống còn gần 30 tỷ USD. Cổ phiếu của Apple đã giảm tới 4% trong phiên giao dịch sau ngày 2/2.
Doanh thu không được như kỳ vọng xảy ra khi Apple phải đối mặt với việc đóng cửa một nhà máy quan trọng tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái, làm ảnh hưởng đến nguồn cung. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể giảm chi tiêu cho các thiết bị công nghệ đắt tiền khi lo ngại suy thoái kinh tế xuất hiện. Apple cũng bị ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất cao.
Trái ngược với tình hình kinh doanh ảm đạm của Google và Apple, Amazon đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, trong quý IV/2022, doanh số bán hàng của Amazon đạt 149,2 tỷ USD, cao hơn mức dự báo 145,7 tỷ USD ban đầu của giới phân tích.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Amazon gần như bằng 0 trong khi năm 2021, hãng thu về 14,32 tỷ USD. Tháng trước, công ty này cũng thông báo cắt giảm hơn 18.000 nhân viên sau khi lực lượng lao động tăng thêm 800.000 người trong thời kỳ đỉnh địch.
Đáng chú ý, ngay cả khi tăng trưởng doanh thu tổng thể trong quý của Amazon vượt qua ước tính, tăng trưởng doanh thu cho một số phân khúc chính nhất định dường như đang đà chậm lại. Cổ phiếu của Amazon đã giảm gần 4% trong phiên giao dịch 2/2.
Trước đó, “gã khổng lồ” truyền thông Meta đã thông báo doanh thu giảm 1%, xuống còn 116,6 tỷ USD trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên doanh thu của công ty này sụt giảm kể từ khi ra mắt công chúng vào năm 2012. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó và điều này đã thúc đẩy giá cổ phiếu của Meta tăng vọt.
Trong bối cảnh lo ngại về khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng vọt, nước Mỹ đang chứng kiến làn sóng các công ty lớn sa thải nhân viên, đi đầu là các công ty công nghệ và tài chính ở Phố Wall. Các đợt tăng lãi suất ngân hàng liên tiếp và nhu cầu tiêu dùng yếu đã buộc các công ty như Amazon, Walt Disney, Meta và các ngân hàng ở Mỹ phải cắt giảm nhân sự.
Theo trang theo dõi hoạt động cắt giảm nhân sự Layoffs.fyi, trong năm 2022, các công ty công nghệ đã sa thải hơn 150.000 nhân viên do nhu cầu về dịch vụ và thiết bị công nghệ từng bùng nổ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh.
Chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, các ông lớn công nghệ là Alphabet, Microsoft, Amazon và IBM đã sa thải tổng cộng gần 44.000 nhân sự. Đây là tháng có nhân sự công nghệ bị sa thải nhiều nhất kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Giới chuyên gia dự báo các công ty sẽ tiếp tục sa thải nhân viên để ứng phó với những tác động khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng chậm lại. Làn sóng đại sa thải của năm 2023 sẽ là sự cộng hưởng của cả khó khăn tài chính lẫn sự bành trướng của công nghệ.