VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Kho nhôm “chết”, trị giá 5 tỷ USD ở Việt Nam

Kho nhôm “chết”, trị giá 5 tỷ USD ở Việt Nam

11:42 - 22/11/2021

Một kho nhôm ở Việt Nam đủ lớn để lấp đầy chênh lệch cung – cầu của thị trường nhôm thế giới.

Ở một khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có những đống nhôm khổng lồ được bao phủ trong bạt đen. Trải dài hàng km, khối tài sản được nhiều người thèm muốn có thể trị giá khoảng 5 tỷ USD theo thị giá hiện tại. Trong thế giới nhôm, những người trong cuộc nói rằng kho dự trữ ở Việt Nam là lớn nhất mà họ từng thấy. Nhưng lượng nhôm này có thể không bao giờ quay trở lại thị trường, ngay cả khi thị trường ngày càng thiếu nguồn cung.

Trong quá khứ, từng có hàng triệu tấn nhôm tại các cảng từ Mỹ đến châu Âu và Malaysia. Nhưng hiện nay, các nhà theo dõi thị trường cho biết kho dự trữ trên có thể là kho dự trữ đáng chú ý duy nhất còn lại.

Lượng nhôm ở đây bằng với mức tiêu thụ hàng năm của Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới, theo Duncan Hobbs, một nhà phân tích tại công ty kinh doanh hàng hóa Concord Resources có trụ sở tại London. “Chúng ta đang chứng kiến ​​mức thâm hụt sâu nhất trên thị trường thế giới trong ít nhất 20 năm và kho dự trữ này không chỉ lấp đầy khoản thâm hụt đó mà còn dư”.

Số nhôm này bị thu giữ trong cuộc điều tra chống bán phá giá do Mỹ dẫn đầu vào năm 2019, tập trung vào một tỷ phú Trung Quốc. Hải quan Việt Nam cho biết nó được nhập từ Trung Quốc bởi Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, hay GVA. Nhà chức trách chưa kết thúc cuộc điều tra, mặc dù cuộc điều tra đầu tiên nhắm vào GVA đã bị hủy bỏ vì thiếu bằng chứng. 1,8 triệu tấn nhôm vẫn được lưu giữ dưới sự giám sát của nhân viên an ninh, chỉ có một lượng nhỏ được đưa cho GVA để phục vụ cho dây chuyền sản xuất của công ty, theo một quan chức của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Kho nhôm 1,8 triệu tấn có trị giá 5 tỷ USD tính theo thị giá hiện tại.

Kho nhôm 1,8 triệu tấn có trị giá 5 tỷ USD tính theo thị giá hiện tại.

Sự phục hồi chóng mặt của giá nhôm có nghĩa là trị giá của kho kim loại trên đã tăng hơn 50% kể từ khi bị thu giữ. Nếu kho dự trữ bắt đầu được giải phóng, thị trường nhôm thế giới có thể bị chấn động. Kho này dư khối lượng để xóa bỏ mức thâm hụt toàn cầu trên thị trường nhôm trong năm nay, và một đợt bán tháo có thể khiến giá lao dốc.

Tuy nhiên, CRU, một trong những đơn vị tư vấn quan trọng của ngành, hiện đã loại bỏ kho dự trữ ở Việt Nam khỏi ước tính của mình. Công ty có trụ sở tại London này cho rằng một số kim loại đã hơn 10 năm tuổi và có thể sẽ phải bán dưới dạng phế liệu.

“Thông thường các kho dự trữ luôn sẵn sàng bán nếu được giá, nhưng một trong những vấn đề với kho này là không hoàn toàn rõ ràng nó sẽ được bán trong những trường hợp nào”, Ross Strachan, nhà phân tích nhôm cấp cao tại CRU ở London, cho biết. “Có rất ít bằng chứng cho thấy kho Việt Nam có thể thỏa mãn nhu cầu cho người mua”.

Đây cũng là một lời nhắc nhở về lịch sử đầy biến động gần đây của thị trường nhôm. Thời kỳ dư cung đã kết thúc, nhường chỗ cho sự thiếu hụt do Trung Quốc hạn chế sản xuất để giảm lượng khí thải.

Các nhà giao dịch nhôm dành phần lớn thập kỷ qua lo lắng rằng tình trạng dư thừa khổng lồ tích tụ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể trở lại thị trường và kìm hãm mức giá vốn đã thấp.

Ví dụ, các hãng ô tô Mỹ giảm đáng kể lượng mua trong khi các nhà sản xuất tiếp tục bơm kim loại này ra ngoài với hy vọng đánh bật đối thủ cạnh tranh. Hơn một nửa số nhà sản xuất trên toàn cầu thua lỗ, nhưng đối với nhiều công ty, chi phí nếu tắt lò luyện của họ thậm chí còn lớn hơn. Vì vậy, lượng kim loại dư thừa tăng lên từng tháng.

Sau đó, các ngân hàng và công ty giao dịch bước vào. Kế hoạch của họ là kiếm tiền bằng cách mua phần dư thừa và cất giữ để bán khi nguồn cung kém hơn. Khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi vào đầu những năm 2010, các nhà sản xuất bao gồm Coca-Cola nhận thấy mình đang thiếu nhôm khi hàng núi kim loại này nằm ở những cảng lớn trên thế giới.

Cuối cùng, kim loại này được cung cấp nhỏ giọt trở lại thị trường khi nhu cầu tăng trở lại và thậm chí năm ngoái, ngành này vẫn có nguồn cung thoải mái. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, có vẻ như thị trường một lần nữa sẽ dư thừa.

Hiện tại, với nhu cầu tăng cao và Trung Quốc hạn chế nguồn cung, quan điểm đồng thuận là triển vọng giá chưa bao giờ sáng sủa hơn trong khi hàng núi nhôm biến mất vào lúc các nhà sản xuất cần kim loại này nhất. Kamil Wlazly, nhà phân tích kim loại cấp cao tại Wood Mackenzie ở London, cho biết: “Kho dự trữ giảm với tốc độ rất nhanh, theo cách mà không ai có thể chuẩn bị trước”.

Kho nhôm ở Việt Nam từ tháng 3/2014 đến tháng 1/2021. Nguồn: Google Earth và Bloomberg.

Kho nhôm ở Việt Nam từ tháng 3/2014 đến tháng 1/2021. Nguồn: Google Earth và Bloomberg.

Ngoài Việt Nam, có thể dễ dàng trông thấy sự thiếu hụt của ngành nhôm trên các cảng toàn thế giới. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một kho dự trữ lớn ở New Orleans bị rút bớt. Một kho dự trữ lớn ở Cảng Klang của Malaysia cũng biến mất vào năm 2019, cùng thời điểm khi dữ liệu hải quan cho thấy số lô hàng từ nước này đến Việt Nam tăng đột biến. Mặc dù Malaysia có vị thế tương đối khiêm tốn trong tiêu thụ nhôm, Cảng Klang đã trở thành điểm lưu trữ lớn nhất trong mạng lưới kho hàng của Sàn giao dịch Kim loại London (LME), nhưng kho dự trữ này cũng đang giảm nhanh chóng.

Các kho hàng của LME ở Detroit và cảng Vlissingen của Hà Lan hiện hầu như trống rỗng, dù trước đó có lúc giữ hơn 3,5 triệu tấn của giới ngân hàng và công ty giao dịch. Tình hình tương tự ở Rotterdam, nơi từng chứa hàng triệu tấn kim loại trong các kho của LME và kho tư nhân.

Nhưng tình hình được cho là nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc, nơi tổng hàng tồn kho trên toàn quốc hiện ở mức khoảng 1,2 triệu tấn, tương đương với nhu cầu trong 2 tuần, theo ước tính từ nhóm nghiên cứu AZ Trung Quốc.

Dấu hiệu nổi bật nhất của sự thiếu hụt nằm trong dữ liệu thương mại của nước này, cho thấy nhà sản xuất hàng đầu thế giới hiện đang trở thành nhà nhập khẩu ròng nhôm khi sản lượng trong nước ngày càng cắt giảm mạnh. Sau khi tung ra thị trường lượng nhôm khổng lồ trong nhiều năm, Trung Quốc hiện đang khiến lượng dự trữ nhôm của thế giới giảm nhanh chóng.

“Trung Quốc –với quy mô tuyệt đối của nước này – sẽ dễ dàng hấp thụ nếu kho dự trữ của Việt Nam có thể quay trở lại”, Wlazly nói. Nhưng hàng triệu tấn nhôm đó vẫn nằm ngoài tầm với.