VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Không để hàng hóa tăng giá bất hợp lý sau bão

Không để hàng hóa tăng giá bất hợp lý sau bão

13:29 - 09/09/2024

Ngày 8/9 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện 6815/CĐ-BCT gửi Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường (QLTT), Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước… về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả cơn bão số 3 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT chỉ đạo toàn lực lượng QLTT thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3.

Sau khi đi vào Bắc Bộ, Bão số 3 (Siêu bão YAGI) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đến sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Bắc. Thế nhưng với sức tàn phá kinh hoàng của mình, bão số 3 để lại thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương miền Bắc. Hiện người dân tại nhiều khu vực vẫn đang sống trong cảnh không điện, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt.

Theo nguồn tin trên báo điện tử Thanh niên, sau hơn 1 ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, TP.Hà Nội ghi nhận gần 17.400 cây xanh đổ và gãy cành, khiến giao thông nhiều tuyến phố bị chia cắt, chắn toàn bộ hoặc một phần lòng đường; làm 4 người chết, 11 người bị thương. Mưa bão khiến 274 hộ dân có nhà, công trình bị tốc mái; 4 nhà mái tôn bị sập; 19 công trình nhà ở hư hỏng và đổ gãy nhiều cột điện. Nhiều quận, huyện mất điện cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu, thoát nước của các trạm bơm, sản xuất và sinh hoạt của dân.

Bão số 3 để lại thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương miền Bắc.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh, đến chiều 8.9 địa phương này vẫn chưa được cấp điện lưới trở lại, sóng điện thoại nhiều nơi không có dẫn tới việc thống kê thiệt hại của bão số 3 chưa thể chính xác. Theo thống kê sơ bộ, Quảng Ninh có 3 người chết, 157 người bị thương. Về tài sản, sơ bộ tại các địa phương có 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị của 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 336 ha lúa bị đổ, ngập úng. Cùng với đó, nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng; hệ thống thông tin, liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối không liên lạc được; mất điện trên diện rộng, rất khó khăn trong chỉ đạo và nắm bắt thông tin.

Trong bối cảnh thiên tai phức tạp như thế này, việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa và ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý là vô cùng quan trọng. Chính vì thế, Bộ Công Thương yêu cầu kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá bất hợp lý, đặc biệt là hàng thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp sau bão số 3.

Theo đó, công điện của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phải tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường. Đặc biệt đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng.

Bên cạnh đó, phân công lãnh đạo, công chức trực 24/24 giờ để chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do bão Yagi gây ra để thu lời bất chính.

Ngoài ra, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung – cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước được yêu cầu bám sát diễn biến của thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng vật tư phục vụ nhu cầu sửa chữa, phục hồi sau bão. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường để đảm bảo ổn định thị trường và cung cầu hàng hóa.

Ngay khi có thông tin về bão số 3, các siêu thị liên tục bổ sung rau xanh và thực phẩm, giá cả ổn định.

Thực tế, từ đêm ngày 6/9, khi bão tiến vào đất liền Việt Nam, người dân Thủ đô đã đẩy mạnh dự trữ thực phẩm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng thiết yếu như thịt, cá, trứng, sữa…

Không chỉ hệ thống chợ truyền thống mới đông người mua sắm mà tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng đông khách. Thông tin từ siêu thị Big C Thăng Long cho thấy, từ ngày 5/9 sức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại siêu thị đã tăng mạnh. Do đó, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng, siêu thị Big C đã làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp đôi nguồn cung ứng trong đó chú trọng đến mặt hàng rau củ quả tươi sống. Bên cạnh đó siêu thị đã đã tăng thêm thời gian mở cửa tới 23h thay vì 22h như ngày thường. Tại siêu thị Winmart, trong ngày 6/9, sức mua rau, thực phẩm cũng tăng khoảng 350% so với ngày thường. Đến ngày 8/9, ngay khi bão số 3 đi qua nhiều siêu thị cập nhật thông tin về tình hình mua sắm, cung ứng hàng hóa thiết yếu tại khu vực miền Bắc vẫn đảm bảo.

Để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý và đảm bảo ổn định kinh tế sau bão, ngoài chính sách, biện pháp quả lý từ Chính phủ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/kien-quyet-khong-de-xay-ra-gam-hang-day-gia-sau-bao/20240908073752087

https://thanhnien.vn/khan-truong-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-185240909003113618.htm