VNReport»Chưa được phân loại»Khu vực đồng euro suy thoái

Khu vực đồng euro suy thoái

15:46 - 01/05/2021

Khu vực đồng euro trở lại tình trạng suy thoái trong 3 tháng đầu năm nay do áp lực từ các biện pháp chống COVID-19.

Tổng sản phẩm quốc nội của khu vực giảm 0,6% so với quý trước. Trước đó, trong 3 tháng cuối năm 2020, nền kinh tế khu vực cũng giảm 0,7%. Như vậy, khu vực đồng euro đã chính thức rơi vào suy thoái, theo định nghĩa là hai quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Ngược lại, Mỹ báo cáo mức tăng trưởng quý đầu tiên của nước này là 1,6% so với quý IV/2020. Đối với Trung Quốc, con số này là 0,6%.

Phần lớn châu Âu đã phải chịu phong tỏa ở các mức độ khác nhau trong 3 tháng đầu năm nay, bao gồm đóng cửa các cửa hàng và hạn chế đi lại, để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba.

Đức là nền kinh tế lớn bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu. Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới giảm 1,7% trong quý I/2021, khi mà mức tăng xuất khẩu không đủ bù đắp cho mức giảm tiêu dùng hộ gia đình. GDP của Tây Ban Nha giảm 0,5% do tiêu dùng hộ gia đình và sản xuất tụt giảm. Sản lượng của Ý giảm 0,4% do khu vực dịch vụ giảm sút. Nền kinh tế của Bồ Đào Nha suy giảm 3,3% sau một đợt bùng phát COVID-19 lớn.

Các biện pháp nhằm kiểm soát dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức

Các biện pháp nhằm kiểm soát dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức

Điểm sáng của khu vực đồng euro là Pháp. Nền kinh tế thứ hai khu vực tăng 0,4%, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành xây dựng và tiêu dùng hộ gia đình phục hồi nhẹ.

Eurostat cho biết GDP giảm 0,4% trong toàn EU. Thụy Điển, Áo và Bỉ báo cáo mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến.

Mặc dù chương trình tiêm chủng ở Anh khá thành công, nền kinh tế dự báo sẽ không tăng mạnh khi nước này công bố số liệu quý I trong tháng 5 tới. Trong tháng 2, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu chỉ tăng 0,4%.

Các quốc gia bao gồm Đức và Pháp gần đây đã thắt chặt các biện pháp phong tỏa để đối phó với tình trạng số ca nhiễm và nhập viện vì COVID-19 gia tăng. Nhưng các nhà kinh tế kỳ vọng khu vực sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong quý II nhờ tốc độ tiêm vaccine ngày càng tăng.

Người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu mạnh tay sau một thời gian bị dồn nén khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp kiềm chế dịch. Các nhà kinh tế tại Allianz dự đoán người tiêu dùng trong khối sẽ chi thêm 170 tỷ euro trong năm nay, bằng 1,5% GDP.

Ngân hàng Trung ương châu Âu dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay và thêm 4,1% nữa trong 2022, trở về mức trước đại dịch.

Các số liệu khác cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro tiếp tục tăng, từ 1,3% trong tháng 3 lên 1,6% vào tháng 4.

Phần lớn các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng này chỉ là ngắn hạn. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, giảm từ 0,9% đến 0,8%.

Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn khối giảm xuống 8,1% trong tháng 3, từ mức 8,2% của tháng trước và tăng so với mức hơn 7% trước đại dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ này không tính đến hàng triệu người đã ngừng tìm việc hoặc đang tham gia các chương trình trợ cấp của chính phủ.