VNReport»Kinh tế»Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương khởi động

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương khởi động

10:10 - 24/05/2022

Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF), nhóm kinh tế mới do Mỹ dẫn đầu, khởi động với 13 nước bao gồm Việt Nam.

Chính phủ Mỹ thông báo rằng nhóm kinh tế mới của họ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ khởi động với 13 thành viên, chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.

Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF). Các thành viên còn lại gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, New Zealand và Brunei.

Đáng chú ý, khuôn khổ này không bao gồm Đài Loan, cũng như Myanmar hoặc các thành viên ASEAN thân thiện với Trung Quốc – Campuchia và Lào.

Trừ Mỹ và Ấn Độ, 11 nước còn lại là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), khối thương mại lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng thuộc RCEP. 7 trong số 13 nước – Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Australia và New Zealand – thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Mỹ đã rút khỏi năm 2017 khi nó được biết với tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phát biểu tại sự kiện ra mắt ở Tokyo, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng tương lai của nền kinh tế thế kỷ 21 sẽ được viết ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. “Chúng ta đang viết các quy tắc mới”, ông nói. “Chìa khóa thành công của chúng tôi sẽ là sự nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn cao và tính toàn diện của khuôn khổ”, ông lưu ý và nói thêm rằng IPEF “mở cửa cho những nước khác muốn tham gia trong tương lai”.

Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đích thân tham gia sự kiện, trong khi những nhà lãnh đạo khác tham gia trực tuyến. Ông Modi nói: “Điều cần thiết là chúng ta phải tìm ra các giải pháp chung cho những thách thức kinh tế của khu vực và chúng ta thực hiện các thỏa thuận sáng tạo”.

Lãnh đạo các nước tham gia sự kiện ra mắt IPEF ngày 23/5.

Lãnh đạo các nước tham gia sự kiện ra mắt IPEF ngày 23/5.

Theo các quan chức Mỹ, IPEF sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ và các đối tác châu Á theo 4 trụ cột: khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và phi carbon hóa, thuế và chống tham nhũng, và thương mại. Chủ đề thương mại bao gồm những vấn đề như nền kinh tế số, công nghệ mới nổi, quy tắc lao động, hành vi minh bạch và quản lý.

Chính quyền Biden hy vọng IPEF sẽ thúc đẩy sự hiện diện kinh tế của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của mình.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết đây là “một bước ngoặt quan trọng trong việc khôi phục vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong khu vực và giới thiệu với các nước Ấn Độ – Thái Bình Dương một giải pháp thay thế cho cách tiếp cận của Trung Quốc đối với những vấn đề quan trọng này”.

Nhưng không giống như các hiệp định thương mại tự do truyền thống – chẳng hạn như RCEP và CPTPP – IPEF không hạ thuế quan. Chính quyền Biden – giống như chính quyền Trump trước đó – coi tự do hóa thương mại không kiểm soát là có hại cho người lao động Mỹ và muốn một cách tiếp cận phù hợp hơn với hội nhập kinh tế.

Raimondo cho biết IPEF được “thiết kế như một cách tiếp cận sáng tạo và linh hoạt hơn”, vì những vấn đề như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và bảo vệ môi trường đã trở nên quan trọng hơn đối với nhiều nền kinh tế. “Những vấn đề cấp bách nhất mà chúng tôi cần giải quyết với các đồng minh đã thay đổi”, bà nói. “Chúng ta cần một cách tiếp cận mới, trong tương lai, nếu muốn đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì vậy, bằng cách tập trung vào các ưu tiên kinh tế ảnh hưởng đến tất cả nền kinh tế của chúng ta, khuôn khổ này được thiết lập để phản ánh những thực tế chung mà chúng ta phải đối mặt”.

Không giảm thuế quan, IPEF không có sức thu hút quá lớn đối với các nước muốn tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ, theo các nhà phân tích. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã thành công trong việc thuyết phục một số nền kinh tế mới nổi tham gia. Đáng chú ý là Ấn Độ – nước rút khỏi đàm phán RCEP do lo ngại về tác động của thương mại tự do đối với nông dân và doanh nghiệp của mình.

Raimondo nhấn mạnh rằng IPEF vẫn mang lại lợi ích cho các nước: “Nhiều công ty Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. Các quốc gia, [chẳng hạn như] Việt Nam, Malaysia, Indonesia, đăng ký và gia nhập khuôn khổ Ấn Độ – Thái Bình Dương, rõ ràng có lợi thế để có được hoạt động kinh doanh từ các doanh nghiệp Mỹ, vì họ sẽ ký những thỏa thuận tiêu chuẩn cao mà chúng tôi định đưa vào IPEF”.

Sau khi ra mắt vào thứ Hai, 13 thành viên IPEF sẽ bắt đầu đàm phán về từng trụ cột. Raimondo nói: “Sẽ có những cam kết chắc chắn, sẽ có những thỏa thuận được ký kết”. Mỹ cũng cho biết IPEF có kiến ​​trúc mở, có nghĩa là có thể bổ sung thêm thành viên trong tương lai.

Đài Loan không được đưa vào nhóm, mặc dù hòn đảo này là một mắt xích quan trọng cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

“Bộ Ngoại giao lấy làm tiếc rằng đất nước của chúng tôi không được đưa vào danh sách vòng đầu tiên của IPEF”, một tuyên bố chính thức từ Đài Loan cho biết hôm Chủ nhật. “Là một nền kinh tế quan trọng, Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và hoàn toàn đủ điều kiện để tham gia IPEF”.