VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Kích cầu mua sắm cuối năm, người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm online

Kích cầu mua sắm cuối năm, người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm online

17:17 - 19/11/2024

Mùa lễ hội cuối năm đang đến gần, bên cạnh nhu cầu mua sắm tăng cao, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều lo ngại về hàng giả, hàng kém chất lượng và các rủi ro trong bối cảnh mua sắm trực tuyến bùng nổ.

Kích cầu mua sắm cuối năm

Nhiều chương trình khuyến mãi từ 20%, 30%, thậm chí lên đến 40% hay các chương trình mua một tặng một đang được áp dụng. Các chương trình này được các siêu thị, trung tâm thương mại duy trì từ đến cuối năm để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Điển hình như hệ thống siêu thị của Tập đoàn Masan đã và đang triển khai Chương trình ưu đãi lớn nhất năm, giảm giá lên tới 50% tại WinMart/WinMart+/WiN tập trung vào các khuyến mại kích cầu, mang đến ưu đãi đa dạng cho hàng nghìn mặt hàng thực phẩm thiết yếu, gia dụng, thời trang, hóa mỹ phẩm… với mức giảm lên tới 50% cùng các hình thức mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, đặc biệt là ưu đãi “Chỉ 10.000 đồng” cho một số sản phẩm chọn lọc.

Bên cạnh Tập đoàn Masan thì Tập đoàn Central Retail Việt Nam (đơn vị quản lý siêu thị GO!, Tops Market, BigC) cũng tham gia đường đua kích cầu mua sắm cuối năm. Theo đó, từ nay đến hết ngày 27/11, khi người tiêu dùng mua các sản phẩm thực phẩm xanh, thực phẩm tươi sống… sẽ được ưu đãi rất sâu từ 25 – 50% giá trị sản phẩm.

Bên cạnh những chương trình khuyến mại hiện đang triển khai trên từng kệ hàng, từng mặt hàng, hệ thống siêu thị đang tham gia các chương trình xúc tiến thương mại cả trong Nam và ngoài Bắc với mục đích tìm kiếm, mở rộng thêm các nhà cung cấp hàng hóa đặc sản vùng miền, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh vào dịp cuối năm.

Nhiều chương trình khuyến mãi từ 20%, 30%, thậm chí lên đến 40% hay các chương trình mua một tặng một đang được áp dụng.

Song song với đó, một số nhà bán lẻ cũng triển khai các chương trình làm mới hoạt động kinh doanh, hàng loạt sự kiện trọng tâm hướng đến mùa mua sắm cuối năm thu hút người tiêu dùng quay trở lại với điểm bán trực tiếp. Điển hình, hệ thống MM Mega Market tiến hành thu hẹp diện tích cho nhóm hàng phi thực phẩm (chăn, drap, gối, quần áo…), tăng diện tích trưng bày hàng thiết yếu, nhất là hàng tươi sống.

Người tiêu dùng nên thận trọng khi mua sắm online

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không chỉ tại cửa hàng và chợ truyền thống tăng cường hàng hoá, mà không khí mua bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng rất sôi nổi.

Theo đó, bắt đầu từ bây giờ, nhiều sàn TMĐT và một số mạng xã hội đã bắt đầu bày bán nhiều mặt hàng phục vụ dịp Tết từ quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm đến đồ gia dụng,… với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Điều này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng chuộng hình thức mua sắm online.

Thông thường, người tiêu dùng sẽ chi mạnh tay vào các mốc thời gian 10/10, 11/11, 12/12, đây là những ngày đôi mà các nền tảng mua sắm trực tuyến sẽ tung ra nhiều mã giảm giá, chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Đây cũng là lúc các sàn thương mại điện tử được dự báo thúc đẩy doanh số bán hàng nhiều nhất trong năm.

Một số hình thức khuyến mãi phổ biến được các sàn TMĐT áp dụng qua các năm như: Giảm giá trực tiếp, flash sale (hình thức bán hàng chớp nhoáng, ưu đãi giảm giá trong thời gian ngắn), mua 1 tặng 1, mã giảm giá, trả góp 0%. Mỗi hình thức đều có ưu và nhược điểm riêng. Trong đó, giảm giá là hình thức phổ biến nhất bởi người tiêu dùng có xu hướng so sánh giá cả khi mua hàng, để đảm bảo mình mua được sản phẩm với giá tốt nhất.

Tuy nhiên tâm lý này lại dễ dẫn người tiêu dùng rơi vào các bẫy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lừa đảo qua mạng,… Đặc biệt lượng hàng hóa khổng lồ được bày bán trên các sàn thương mại điện tử lại càng gây khó khăn cho việc phân biệt hàng thật, hàng giả.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần lưu ý một số điều sau:

Kiểm tra thông tin sản phẩm kỹ lưỡng: Trước khi quyết định mua hàng, hãy kiểm tra thông tin của sản phẩm ở phần mô tả sản phẩm, xem xét hình ảnh thật, đánh giá từ những người đã mua hàng và so sánh giá cả giữa các nhà cung cấp khác nhau.

Lựa chọn những sàn thương mại điện tử uy tín và kiểm tra kỹ thông tin nhà bán hàng: Ưu tiên mua sắm trên các sàn thương mại điện tử lớn, có chính sách bảo vệ người tiêu dùng rõ ràng và được nhiều người tin tưởng. Bên cạnh đó cần tìm hiểu về nhà bán hàng, số lượng người theo dõi, đánh giá của khách hàng trước đó để đảm bảo độ uy tín.

Thanh toán bằng hình thức an toàn: Nên sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến bảo mật như thẻ tín dụng, ví điện tử uy tín để hạn chế rủi ro.

Kiểm tra hàng hóa kỹ lưỡng khi nhận hàng: Khi nhận hàng, hãy kiểm tra kỹ sản phẩm để đảm bảo hàng hóa đúng như mô tả và không bị hư hỏng. Đồng thời luôn giữ lại hóa đơn và thông tin giao dịch để làm bằng chứng khi cần thiết.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại điện tử, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

https://vneconomy.vn/kenh-ban-le-day-manh-cac-chien-luoc-thu-hut-khach-hang.htm