VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Kido gia nhập thị trường bán lẻ

Kido gia nhập thị trường bán lẻ

13:25 - 28/05/2021

Thông tin này đã từng được KIDO tiết lộ trong Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 6 năm ngoái.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, ngày 27/5, Công ty cổ phần tập đoàn Kido (tiền thân là Tập đoàn Kinh Đô) đã ký thoả thuận với đối tác kinh doanh và chính thức công bố triển khai dự án bán lẻ theo chuỗi cửa hàng.

KIDO chính thức gia nhập thị trường bán lẻ

Tổng số vốn đầu tư ban đầu của dự án bán lẻ KIDO dự kiến là 100 tỷ đồng. Trong đó, KIDO sẽ tham gia với 61% vốn để nắm quyền chi phối hệ thống cửa hàng bán lẻ này. Dù chưa công bố thông tin chi tiết song có thể bên cạnh phát triển các cửa hàng truyền thống, KIDO sẽ triển khai thêm các cửa hàng đồ uống với thương hiệu MOBI drinks chuyên kinh doanh các sản phẩm do KIDO nghiên cứu.

KIDO hướng mục tiêu biến các điểm bán này trở thành một hub kinh doanh các sản phẩm trào lưu giành cho giới trẻ, tích hợp các hãng của các ông trùm gốc Hoa như Thiên Long, gốm sứ Minh Long, Bitis…

Hồi tháng 2, KIDO vừa thông qua quyết định thành lập liên doanh với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM). Công ty liên doanh có tổng vốn ban đầu 400 tỷ đồng chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nước giải khát không gas có lợi cho sức khoẻ và kem với thương hiệu Vibev. Kido nắm giữ 49% và phần còn lại của Vinamilk tương ứng số vốn góp.

Với sự gia nhập của KIDO, ngành bán lẻ lại chứng kiến thêm sự sôi động, trở thành một kênh đầu tư mới hấp dẫn các doanh nghiệp nội tham gia. Mới đây, thị trường chứng kiến một loạt thương vụ M&A như: Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) mua lại toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của Tập đoàn Emart (Hàn Quốc); Masan Group bắt tay với chuỗi đồ uống Phúc Long để cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” hay Nova Group đầu tư hơn 200 triệu USD để đưa các dịch vụ bán lẻ tiêu dùng về hệ sinh thái…

Thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ đạt quy mô gần 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần hiện tại trong đó kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 50%. Do đó, có thể nói đây chính là miếng bánh béo bở mà cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp ngoại không dễ bỏ qua.