VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Kido từ bỏ tham vọng với chuỗi ăn uống

Kido từ bỏ tham vọng với chuỗi ăn uống

12:10 - 22/12/2022

Sau khi giải thể liên doanh chuyên sản xuất nước giải khát với Vinamilk, KIDO tiếp tục thoái vốn khỏi hệ thống cà phê – trà – kem Chuk Chuk.

Liên tiếp rời bỏ chuỗi ăn uống

Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO vừa chính thức thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TTV. Đây chính là đơn vị vận hành của chuỗi Chuk Chuk, dự án ra mắt từ tháng 6 năm 2021.

Trước đó, KIDO tham gia với góp vốn với tỷ lệ 61% (tổng vốn đầu tư ban đầu 100 tỷ) để nắm quyền chi phối. TTV kỳ vọng đến năm 2025 Chuk Chuk sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng với doanh thu trên 7.800 tỷ đồng. Còn KIDO mong muốn biến Chuk Chuk thành thương hiệu F&B quốc gia, bao phủ không chỉ trong nước mà còn phát triển chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế, với mục tiêu có trên 50 cửa hàng Chuk Chuk vào cuối năm 2021 và bắt đầu nhượng quyền vào năm 2022.

KIDO thoái vốn khỏi đơn vị vận hành của chuỗi Chuk Chuk

Theo ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KIDO, hệ thống F&B này sẽ tách ra khỏi Kido, độc lập hoàn toàn. Việc đó cũng giúp chuỗi cà phê này có thể phát triển nhanh, linh hoạt hơn.

Trước đó không lâu, vào cuối tháng 11 vừa qua, KIDO cũng công bố giải thể liên doanh 400 tỷ đồng với Vinamilk sau hơn một năm tung ra thị trường những sản phẩm đầu tiên. Vốn đầu tư ban đầu của liên doanh này là 400 tỷ đồng, trong đó KIDO góp 49%, còn Vinamilk góp 51%.

Vibev từng được kỳ vọng sẽ tận dụng lợi thế hệ thống phân phối sẵn có của Vinamilk và KIDO, với mục tiêu nắm giữ vị trí số 1 về thị phần trong ngành nước tươi sau 5 năm vận hành.

Theo lý giải của ông Trần Lệ Nguyên, ở thời điểm hiện tại, thị trường chung khó khăn trong khi liên doanh mới ra đời, còn đi chậm. Nếu muốn đi nhanh, KIDO và Vinamilk sẽ phải đầu tư rất lớn. Trong khi đó cả hai bên đều chưa mong muốn điều này vì trong bối cảnh hiện nay thì phải ưu tiên phòng thủ hơn.

Lần lượt từ bỏ cả hai dự án thuộc hai mảng khác nhau trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi ăn uống cho thấy chiến lược của KIDO trong ngành này đã diễn ra không như mong muốn. Với việc thoái vốn khỏi hệ thống cà phê – trà – kem Chuk Chuk lẫn giải thể liên doanh Vibev chuyên sản xuất và phân phối nước tươi, có thể nói KIDO đã gần như từ bỏ mảng đồ ăn uống.

Tập trung vào 4 mảng kinh doanh chính

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường sáng 20/12, Phó Chủ tịch Trần Lệ Nguyên cho biết chiến lược sắp tới của KIDO là tách 4 mảng kinh doanh riêng biệt gồm dầu ăn, kem, bánh kẹo, nước mắm và các loại nước chấm nhằm tận dụng cơ hội từ sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Nguyên, hiện có nhiều đối tác ngoại quan tâm đến từng lĩnh vực của KIDO. Tuy nhiên, họ lại không sẵn sàng đầu tư vào cả tập đoàn.

Dầu ăn và kem hiện là những ngành hàng chủ lực của KIDO. Trong khi đó, dù mới quay lại với ngành hàng bánh kẹo trong 2 năm qua song KIDO không lạ lẫm gì với thị trường này. Đây chính là lĩnh vực chủ chốt suốt hàng chục năm của tập đoàn này trước khi KIDO chuyển nhượng lại mảng kinh doanh này cho đối tác ngoại vào năm 2015.

Ngược lại, nước mắm và các mặt hàng nước chấm sẽ là sân chơi hoàn toàn mới với tập đoàn thực phẩm của anh em doanh nhân Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên.

Về tình hình kinh doanh năm nay, doanh thu lũy kế 9 tháng của KIDO đạt gần 9.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 24% còn 370 tỷ đồng do giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh bất thường.

Dù vậy, lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá ngành hàng thiết yếu vẫn thuận lợi hơn so với một số lĩnh vực như bất động sản đang rất khó khăn, phức tạp. KIDO vẫn có nguồn tài chính tốt để chia cổ tức và đang nghiên cứu một số hoạt động mua bán sáp nhập (M&A).

Phiên họp đại hội cổ đông bất thường của Kido sáng 20/12 cũng đi tới thống nhất chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lên tới 50%. Với mỗi cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ nhận 5.000 đồng. Tổng số tiền doanh nghiệp dùng để chia cổ tức lần này lên tới hơn 1.300 tỷ đồng.

Song song đó, doanh nghiệp sẽ mua lại 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, giảm bớt lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Mục đích là ổn định giá cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động như hiện nay.