VNReport»Kinh tế»Tài chính»Kiều hối về Việt Nam năm nay ước tính hơn 18 tỷ USD

Kiều hối về Việt Nam năm nay ước tính hơn 18 tỷ USD

11:05 - 26/11/2021

Theo báo cáo mới đây do WB và KNOMAD, kiều hối về Việt Nam năm 2021 ước tính đạt 17,2 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và tăng 5% so với năm ngoái.

Việt Nam đón lượng kiều hối dồi dào bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo nhận định trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Di cư Quốc tế (KNOMAD).

Báo cáo ước tính lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay đạt khoảng 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và thứ 3 khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam cũng ở mức cao, đạt 17,2 tỷ USD, đứng thứ 11 trên toàn cầu.

Theo nhiều chuyên gia, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư cũng đang diễn ra ở lĩnh vực kiều hối. Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới cập nhật số liệu điều chỉnh đối với Việt Nam từ 15,7 tỷ USD lên 17,2 tỷ USD. Với lượng kiều hối đổ về tương đương 5% GDP năm 2020, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương có tỷ trọng kiều hối trên GDP cao nhất.

Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 5 năm qua, mỗi năm có khoảng 10.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Việc bổ sung lực lượng lao động Việt Nam tại nhiều thị trường hứa hẹn sẽ làm tăng nguồn cung kiều hối về Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với đó, nhiều năm qua, lượng kiều hối về nước tập trung nhiều hơn vào sản xuất kinh doanh đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Theo báo cáo từ WB và KNOMAD, tổng lượng kiều hối đến các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng 7,3% lên 589 tỷ USD vào năm 2021. Mức phục hồi này cao hơn ước tính trước đó và duy trì xu hướng vững chắc của năm 2020, khi lượng kiều hối chỉ giảm 1,7%, bất chấp đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái trầm trọng.

Kiều hối tăng mạnh tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Cao nhất là tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, đạt 21,6%, mà WB cho rằng chủ yếu là do nền kinh tế Mỹ phục hồi. Riêng tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, lượng kiều hối giảm 4%, nhưng nếu không tính Trung Quốc thì tăng 1,4%.

Năm nay, lượng kiều hối đổ về các nước có thu nhập thấp và trung bình (trừ Trung Quốc) dự kiến ​​sẽ vượt tổng giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm thứ hai liên tiếp.

Theo báo cáo, xu hướng này cho thấy vai trò cấp thiết của kiều hối trong cung cấp các nguồn thu nhập thiết yếu để mua thực phẩm, chăm sóc y tế và giáo dục ở quê nhà của lao động di cư trong bối cảnh tình hình kinh tế trì trệ và khó khăn do Covid-19.

Theo Giám đốc Toàn cầu về An sinh Xã hội và Việc làm của WB Michal Rutkowski, tiền gửi về từ người di cư cùng với các chương trình hỗ trợ tiền tệ trực tiếp đã giúp giảm bớt khó khăn tài chính của nhiều gia đình trong đại dịch Covid-19. Ông giải thích rằng nhiều yếu tố đã góp phần vào sự tăng trưởng lượng kiều hối toàn cầu, bao gồm quyết tâm nuôi sống và giúp đỡ gia đình của những người di cư, cùng với sự phục hồi kinh tế ở châu Âu và Mỹ.

Ở các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Nga, sự phục hồi của dòng kiều hối sang các nước khác cũng được thúc đẩy bởi giá dầu cao hơn và hoạt động kinh tế tích cực do đó.

Chủ tịch KNOMAD Dilip Ratha đề nghị các nước cần mở rộng khả năng tiếp cận tài khoản ngân hàng và dịch vụ chuyển tiền cho người di cư nếu họ muốn dòng kiều hối tiếp tục tăng, đồng thời bảo vệ họ khỏi bị lạm dụng tiền lương và phúc lợi

Các chuyên gia của WB và KNOMAD dự đoán lượng kiều hối sẽ tăng 2,6% vào năm 2022. Ngoài ra, khi nền kinh tế phục hồi đủ, việc kết thúc gói kích thích và ngừng hỗ trợ lao động cũng có thể giảm lượng kiều hối trên toàn cầu.