VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Kim ngạch thương mại Việt – Mỹ lần đầu vượt 100 tỷ USD

Kim ngạch thương mại Việt – Mỹ lần đầu vượt 100 tỷ USD

15:30 - 20/01/2022

Năm 2021, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua đã đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Trong 2 năm qua, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, năm 2021, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020. Với con số này, Mỹ là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam đạt được mốc trên 100 tỷ USD, sau Trung Quốc.

Thương mại Việt Nam – Mỹ đạt kỷ lục mới

Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 28,6% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên và 3 nhóm hàng đạt hơn 10 tỷ USD.

Nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị với 17,82 tỷ USD, tiếp đến dệt may 16,1 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,76 tỷ USD. Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu nhiều gỗ, nông thủy sản từ Việt Nam, trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 8,77 tỷ USD, thủy sản hơn 2 tỷ USD, hạt điều hơn 1 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, năm 2021, Việt Nam chi 15,27 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng 11,4% so với năm 2020 và chiếm 4,6% kim ngạch cả nước. Hai nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,79 tỷ USD; và bông 1,17 tỷ USD. Ngoài ra, nhóm hàng máy móc, thiết bị cũng đạt kim ngạch xấp xỉ 1 tỷ USD (992 triệu USD).

Ngoài ra, các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Mỹ có 1.134 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 10 tỷ USD. Hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G…

Theo ông Bùi Huy Sơn – Tham tán công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới với sức mua cao, tạo nên dư địa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác có hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều điểm thuận lợi để phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Mỹ. Ví dụ như mong muốn, thiện chí hợp tác, môi trường chính sách thuận lợi giữa hai bên, cũng như tình hình phục hồi của cả hai nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại những điểm không thuận và nhiều yếu tố khó lường, như tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế với giá cả tăng cao ở Mỹ. Đặc biệt là khả năng phục hồi của các nền kinh tế khác cùng tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, hai bên cần tiếp tục duy trì kênh đối thoại, chia sẻ thông tin, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau để có thể kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh một cách thuận lợi.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt các cơ hội, đặc biệt là cơ hội từ nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ, phải theo dõi rất sát diễn biến thị trường, đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hợp pháp, lưu trữ, tổng hợp và phân tích thông tin về các chứng từ, hóa đơn đối với nguồn gốc hàng hóa, để có thể kịp thời phối hợp và cung cấp thông tin khi có các yêu cầu điều tra xác minh của các cơ quan hữu quan Mỹ.

Làm tốt các công việc này, các doanh nghiệp mới có thể chủ động, tự tin và phát triển xuất khẩu một cách bền vững. Cùng với đó, nhu cầu về quảng bá, xúc tiến thương mại trong bối cảnh hiện nay qua các kênh thương mại điện tử, tiếp cận thị trường mới là hết sức cần thiết để các doanh nghiệp có thể thâm nhập và đứng vững tại thị trường Mỹ trong thời gian tiếp theo.