VNReport»Kinh tế»Kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 700 tỷ USD

Kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 700 tỷ USD

10:54 - 21/09/2022

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD.

Nhiền tín hiệu tích cực

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 12,75 tỷ USD. Trong đó, điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may là 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu tháng này. Ngoài ra còn nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD như giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản…

Tính chung từ đầu năm đến 15/9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 40 tỷ USD. Chiều ngược lại, trong nửa đầu tháng 9, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,59 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/9 lên 260,7 tỷ USD, tăng 13,15%, tương đương kim ngạch 30,3 tỷ USD.

Như vậy, nửa đầu tháng 9 nước ta nhập siêu khoảng 840 triệu USD, nhưng lũy kế từ đầu năm đến 15/9 vẫn đạt thặng dư 4,64 tỷ USD. Từ đầu năm đến 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 526,04 tỷ USD, tăng hơn 70 tỷ USD so với cùng kỳ 2021.

Xuất khẩu 9 tháng đầu năm đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực

Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất nhập khẩu đạt được kết quả này là do Chính phủ đã quyết tâm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế từ quý IV/2021, tạo động lực cho các ngành sản xuất, dịch vụ tranh thủ đáp ứng thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó là những thuận lợi đến từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần giúp doanh nghiệp có được thị trường xuất khẩu một cách thuận lợi hơn. Ví dụ như nhóm hàng nông-thủy sản, rau, quả cũng đã tận dụng tốt được các lợi ích từ các FTA.

Ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng việc cán cân thương mại đang nghiêng về chiều xuất siêu là dấu hiệu tốt, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng khá rõ của việc suy thoái cũng như lạm phát tại một số thị trường lớn.  Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ông Trần Thanh Hải cho rằng nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.

Thách thức song hành

Nếu trong 8 tháng đầu năm tình hình xuất khẩu có nhiều thuận lợi thì trong 4 tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng tình hình xuất khẩu sẽ đối diện với khó khăn nhiều hơn. Theo ông Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), 4 tháng cuối năm có khả năng Việt Nam không đạt được tăng trưởng cao như 8 tháng đầu năm do đơn hàng trong các lĩnh vực dệt may, da giày là những ngành xuất khẩu chủ lực đã bắt đầu giảm mạnh.

Đây cũng là nhận định chung của các cơ quan quản lý và nhiều doanh nghiệp bởi tình hình lạm phát, suy thoái còn nhiều bất định, nhất là tại châu Âu và Mỹ. Tình hình chiến sự giữa Nga–Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lương thực còn kéo dài, đe đọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực khiến mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam không còn như trước. Đặc biệt, mức độ kéo dài của khó khăn còn phụ thuộc vào tình hình biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia, cũng như tính đúng đắn trong điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước châu Âu, kể cả Việt Nam.

Nói về đồng USD tăng giá, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng điều này đang có lợi cho xuất khẩu sang Hoa Kỳ và những thị trường sử dụng đồng USD như Trung Quốc, ASEAN… Tuy nhiên nền kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp nên phải nhập phần lớn linh kiện. Do đó, việc nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi giá nhập khẩu tăng lên.

Với thị trường EU, đồng Euro mất giá thì với tỷ giá như hiện nay, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Việc này cũng làm xáo trộn kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh và thích ứng.

Nhận định chung của các chuyên gia là tuy không đạt được kết quả vượt trội như 8 tháng đầu năm nhưng xuất khẩu không sụt giảm mạnh như năm 2020, bởi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng tương đối thiết yếu như nông sản, dệt may, da giày…. Dự báo, từ nay đến cuối năm xuất khẩu vẫn đạt được mức tăng trưởng dương.