VNReport»Kinh tế»Kinh tế ASEAN triển vọng tăng trưởng năm 2023

Kinh tế ASEAN triển vọng tăng trưởng năm 2023

14:04 - 10/01/2023

Theo báo cáo của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) về triển vọng kinh tế toàn cầu quý I năm nay, các thị trường trên toàn cầu đã trải qua một năm 2022 đầy biến động bởi ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, […]

Theo báo cáo của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) về triển vọng kinh tế toàn cầu quý I năm nay, các thị trường trên toàn cầu đã trải qua một năm 2022 đầy biến động bởi ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giá cả tăng đột biến và gián đoạn nguồn cung năng lượng và hàng hóa, lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới, các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác, đồng USD tăng giá…

Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế ASEAN vẫn phục hồi tốt trong năm ngoái. Tăng trưởng GDP của hầu hết nền kinh tế ASEAN đã phục hồi mạnh mẽ trong quý II và quý III/2022 nhờ nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu trong nước ngày càng tăng khi các hạn chế về Covid-19 hầu hết đã được dỡ bỏ trên khắp khu vực.

Các nền kinh tế ASEAN phục hồi tốt sau đại dịch

Báo cáo của UOB nhận định việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đại dịch Covid-19 và mở cửa trở lại các nền kinh tế trong nước trên khắp ASEAN kể từ giữa năm 2022 đã góp phần thúc đẩy đà phục hồi khi lượng du khách tăng mạnh và các ngành dịch vụ phục hồi. Những yếu tố này dự kiến sẽ là trụ cột chính cho các nền kinh tế ASEAN trong năm nay.

Bên cạnh đó, việc tích lũy dự trữ ngoại hối kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cho phép ASEAN tạo ra một vùng đệm lớn hơn trước sự biến động của thị trường tài chính. Bất chấp sự cạn kiệt trong 12 tháng qua do đồng USD mạnh lên, dự trữ ngoại hối trong các nước ASEAN vẫn đáng kể so với mức năm 1997. Những khoản dự trữ này sẽ tiếp tục đóng vai trò là tấm đệm chống lại dòng vốn chảy ra khỏi thị trường trong nước.

Hơn nữa, hầu hết các thành viên ASEAN có khoản nợ nước ngoài ngắn hạn tương đối nhỏ (dưới 10%) so với dự trữ ngoại hối của họ, ngoại trừ Indonesia và Malaysia. Điều này giữ cho các nền kinh tế ở một vị trí tốt để chịu được áp lực của đồng USD mạnh lên và lãi suất toàn cầu tăng.

Ngoài ra, với những thuận lợi và tiềm năng sẵn có, giới chuyên gia kinh tế đánh giá, các nền kinh tế ASEAN đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong những năm gần đây. Các tập đoàn đa quốc gia đang ngày càng bị hấp dẫn bởi Đông Nam Á nhờ mức lương cạnh tranh, các quy định và cơ sở hạ tầng kinh doanh được cải thiện cũng như nhu cầu nội địa ngày càng tăng.

Những cơ sở trên là tiền đề vững chắc giúp ASEAN đối mặt với những thách thức của năm 2023, trong đó có nguy cơ suy thoái ở Mỹ, Anh và châu Âu, các điều kiện tài chính bị thắt chặt, căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung và xung đột Nga-Ukraine, cùng nhiều vấn đề khác.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á đạt mức 5,5%.  Khi thế giới đang bước vào năm 2023 với nhiều áp lực kinh tế đang gia tăng, ADB dự báo kinh tế ASEAN đạt mức tăng trưởng 4,7% vào năm 2023.

Còn các nhà phân tích của tập đoàn tài chính Credit Suisse (Thụy Sĩ) kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của 6 nền kinh tế ASEAN (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) sẽ ở mức 4,4% vào năm 2023 từ mức 5,6% trong năm 2022.

Hãng thông tin và phân tích tài chính S&P Global (Mỹ) lại cho rằng, suy thoái toàn cầu sẽ ít tác động hơn đến các nền kinh tế định hướng theo nhu cầu trong nước như Indonesia và Philippines. Cũng theo S&P Global, nhu cầu từ thị trường trong nước sẽ tiếp tục phục hồi ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan khi các quốc gia này mở cửa trở lại toàn bộ sau đại dịch.

Dù giảm so với năm trước nhưng những dự báo trên đều cho thấy kinh tế ASEAN đạt mức tăng trưởng trên mức trung bình toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,7% vào năm 2023. Lạm phát tại các nước ASEAN dự kiến ở mức 5,1% trong năm nay, thấp hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.