VNReport»Kinh tế»Kinh tế Đông Nam Á lao đao

Kinh tế Đông Nam Á lao đao

17:34 - 21/07/2021

Đông Nam Á đang đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 nặng nề hơn bao giờ hết bởi sự lây lan nhanh của biến thể Delta và việc triển khai vaccine chậm.

Khu vực Đông Nam Á đang trở thành một trong những tâm dịch Covid-19 của thế giới, với số ca mắc bệnh tăng 41% trong tuần trước, lên hơn nửa triệu người. Trong đó, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã vượt qua Ấn Độ về số ca mắc mới mỗi ngày trong tuần trước. Quốc gia này trở thành tâm chấn của biến thể Delta tại châu Á. Một số nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia cũng đang chứng kiến ​​số ca mắc kỷ lục.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở khu vực là 9%, kém các khu vực phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ và chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với châu Phi và Trung Á.

Nền kinh tế Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi biến thể Delta

Trong khi phần lớn các nước phát triển đang bắt đầu các hoạt động kinh doanh trong trạng thái bình thường mới do triển khai nhanh việc tiêm phòng vaccine, hầu hết các nước Đông Nam Á vẫn mắc kẹt trong đại dịch Covid-19.

Chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Oxford Economics Ltd Sian Fenner nhận định với tốc độ tiêm chủng chậm, ngoại trừ Singapore, Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với sự phục hồi kinh tế rất khó khăn và nguy cơ kéo dài thêm các biện pháp hạn chế ở cấp độ cao hơn nữa. Sự gia tăng bất ổn do Covid-19 gây ra cũng có khả năng để lại những vết sẹo sâu cho nền kinh tế.

Indonesia, Thái Lan và Philippines đã cắt giảm dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay và Malaysia cũng sẽ sớm đưa ra hành động tương tự. Việt Nam, một trong số ít nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng mạnh trong năm 2020 cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn trong năm 2021 và hiện đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ 4.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trước đại dịch, các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gộp lại sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, sau Đức. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng xuất khẩu của Đông Nam Á có thể sẽ giảm trong những tháng tới. Nếu Đông Nam Á muốn duy trì quá trình phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu thụ nội địa buộc phải tăng lên. Tuy nhiên, diễn biến căng thẳng của đại dịch như hiện tại khiến hướng đi này trở nên khó khăn hơn.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc cho biết sẽ hạ dự báo tăng trưởng nửa cuối năm khoảng 1,8 điểm phần trăm trên toàn Đông Nam Á, trong đó mức cắt giảm lớn nhất là tại Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Thực tế, Fitch Ratings gần đây đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Philippines xuống mức tiêu cực. S&P đã đưa ra một cảnh báo tương tự đối với Indonesia và cho rằng, sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 và việc kéo dài các biện pháp hạn chế tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Lý giải nguyên nhân Đông Nam Á trở thành tâm chấn Covid-19 của thế giới, các chuyên gia cho rằng các quốc gia kém phát triển tại Đông Nam Á đã không đưa ra các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để giảm thiểu tác động đến sinh kế của người dân. Tuy nhiên, các quốc gia này đang phải trả giá cho sự lựa chọn đó, do nỗ lực truy vết và cách ly các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 không hiệu quả.

Trong khi các quốc gia phát triển dễ dàng áp dụng các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn Covid-19 và trả tiền để người dân ở nhà. Ngược lại, các quốc gia kém phát triển có xu hướng cố gắng đánh đổi các biện pháp hạn chế đó để cứu kinh tế. Và đó là một sự đánh đổi sai lầm.

Đông Nam Á đang trở thành một chiến trường mới của những đợt bùng phát đại dịch Covid-19. Điều này không chỉ đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân mà còn kìm hãm đà tăng trưởng và để lại những vết sẹo khó hồi phục cho nền kinh tế Đông Nam Á.