VNReport»Kinh tế»Tài chính»Kinh tế Eurozone tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc, Mỹ năm 2022

Kinh tế Eurozone tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc, Mỹ năm 2022

11:14 - 01/02/2023

Thứ hạng tăng trưởng kinh tế bất thường trong năm 2022 phản ánh tác động của việc phong tỏa và tái mở cửa liên quan đến Covid-19.

Nền kinh tế của khu vực đồng euro (Eurozone) tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc và Mỹ vào năm ngoái, cho thấy xu hướng tăng trưởng truyền thống của thế giới bị đảo lộn vì đại dịch Covid-19.

Dữ liệu do cơ quan thống kê của Liên minh Châu Âu công bố hôm thứ Ba cho thấy nền kinh tế của khu vực này tăng trưởng với tốc độ 3,5% trong toàn bộ năm 2022 – tốc độ nhanh hơn so với Trung Quốc và Mỹ. Đây là điều bất thường. Trong nhiều thập kỷ, 3 động cơ lớn của nền kinh tế toàn cầu có thứ hạng khá ổn định: Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất, tiếp theo là Mỹ và sau đó là Eurozone. Thứ hạng này thay đổi vào năm ngoái do sự khác nhau trong cách tái mở cửa của các nền kinh tế lớn sau đại dịch.

Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2022, giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng 5,9% ghi nhận vào năm 2021. Trước đó, cơ quan thống kê của Trung Quốc công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 3%, giảm so với mức 8% của năm trước.

Lần cuối cùng các nền kinh tế cấu thành Eurozone tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn cả Trung Quốc và Mỹ là vào năm 1974. Nền kinh tế Mỹ thường tăng nhanh hơn châu Âu trong những thập kỷ gần đây, do dân số tăng nhanh hơn và sự vượt trội trong các lĩnh vực công nghệ phát triển nhanh.

Thứ hạng bất thường của năm ngoái phản ánh tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới, với các thời điểm phong tỏa và tái mở cửa dẫn đến những biến động lớn trong tăng trưởng, cũng như tỷ lệ lạm phát cao. Hiệu ứng này ít có khả năng kéo dài. Khi Trung Quốc từ bỏ chính sách zero Covid, nước này nhiều khả năng lấy lại vị trí là khu vực phát triển nhanh nhất trong 3 khu vực kinh tế lớn. Và chiến tranh Nga-Ukraine đang có tác động lớn hơn đối với nền kinh tế châu Âu so với Mỹ hay Trung Quốc, như được thể hiện trong quý cuối cùng của năm 2022.

“2022 là một năm kỳ lạ”, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde cho biết trong một phiên thảo luận tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào đầu tháng này. “Đây không phải là những con số bình thường, đây không phải là thứ hạng thông thường”.

Tại Eurozone, ảnh hưởng của việc tái mở cửa vào năm ngoái mạnh đến mức bù đắp được cho cuộc chiến ở Ukraine và khủng hoảng năng lượng do chiến tranh. Trong khi Trung Quốc trải qua một loạt đợt phong tỏa để theo đuổi chính sách zero Covid, thì Eurozone tận hưởng trọn vẹn năm đầu tiên không có các hạn chế nghiêm ngặt, và sự thúc đẩy đối với nền kinh tế giống như Mỹ đã trải qua một năm trước.

Cả 3 nền kinh tế lớn đã đóng cửa cứng vào năm 2020. Nhưng Mỹ mở cửa trở lại tương đối triệt để từ năm 2021, vượt xa Eurozone và Trung Quốc đặc biệt trong 3 tháng đầu năm đó. Quá trình mở cửa trở lại của Eurozone bắt đầu muộn hơn và kéo dài đến nửa đầu năm 2022, khi ngành du lịch trọng điểm của khu vực phục hồi.

Năm nay có thể chứng kiến đại dịch tiếp tục có tác động lớn đến tăng trưởng – lần này là ở Trung Quốc. Nước này đã dỡ bỏ nhiều biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt vào đầu tháng 12. Mặc dù điều đó dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm và tử vong do Covid-19, nhưng nó mở ra cơ hội cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Trong năm nay, Liên Hợp Quốc kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8%, trong khi dự kiến ​​cả Mỹ và Eurozone chậm lại, lần lượt ở 0,4% và 0,2%. Nếu đúng, thứ hạng tăng trưởng bình thường sẽ được khôi phục, mặc dù với tốc độ thấp hơn bình thường. Và từ năm 2024, tác động của đại dịch sẽ giảm bớt nếu không có biến thể Covid-19 nguy hiểm hơn xuất hiện.

Tỷ lệ lạm phát cao – một phần là hậu quả của đại dịch – dự kiến cũng sẽ giảm dần vào năm 2024. Tỷ lệ lạm phát bắt đầu tăng vào đầu năm 2021 khi Mỹ và các nền kinh tế khác mở cửa trở lại dẫn đến nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng cao vào thời điểm mà chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn yếu ớt.

Theo thước đo áp lực chuỗi cung ứng do Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York tổng hợp, tình trạng tắc nghẽn do đại dịch gây ra đạt đến đỉnh điểm vào cuối năm 2021, sau đó giảm dần trong 9 tháng đầu năm ngoái. Nhưng sự cải thiện đó chững lại trong 3 tháng cuối năm 2022 khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa để chống lại đợt bùng phát mới của Covid-19. Các chuỗi cung ứng được cho là sẽ tiếp tục dần quay trở lại như trước đại dịch vào năm 2023 sau khi chiến lược zero Covid bị loại bỏ.