VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhờ chi tiêu tiêu dùng

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhờ chi tiêu tiêu dùng

09:52 - 27/10/2023

Chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới do lãi suất cao và các rủi ro khác.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý III, đạt tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, do người tiêu dùng chi tiêu ở mức rất cao – điều khó có thể duy trì được trong tương lai.

Ngày 26/10, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo rằng GDP tăng trưởng với tốc độ theo năm điều chỉnh theo lạm phát và theo mùa 4,9% trong quý III, cao hơn gấp đôi so với tốc độ của quý II.

Nhưng có những dấu hiệu cảnh báo đằng sau con số ấn tượng này. Người Mỹ tiết kiệm ít hơn và thu nhập của họ – điều chỉnh theo lạm phát – giảm trong mùa hè. Điều đó có thể dẫn đến chi tiêu hạ nhiệt trong những tháng tới. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cũng đình trệ. Trong khi đó, lãi suất dài hạn tăng cao, chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông, và khả năng chính phủ đóng cửa một phần có thể khiến những rạn nứt xuất hiện trong nền kinh tế.

Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ năm 2023 cho thấy khả năng chống chịu tốt, với những dự đoán về suy thoái hồi đầu năm không trở thành hiện thực. Nhiều nhà kinh tế hiện kỳ vọng nền kinh tế chỉ hạ nhiệt chứ không suy thoái.

Trong quý III, chi tiêu tiêu dùng tăng với tốc độ theo năm 4,0%, từ mức 0,8% trong quý trước. Chi tiêu của người Mỹ được hỗ trợ bởi thị trường lao động mạnh mẽ và khoản tiết kiệm tích lũy trong đại dịch Covid-19.

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 4,0% trong quý III nhờ thị trường lao động mạnh mẽ và khoản tiết kiệm tích lũy trong đại dịch Covid-19.

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 4,0% trong quý III nhờ thị trường lao động mạnh mẽ và khoản tiết kiệm tích lũy trong đại dịch Covid-19.

Báo cáo GDP mới được cho là sẽ không ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tuần tới. Các quan chức đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9 và báo hiệu rằng họ sẽ làm như vậy một lần nữa trong cuộc họp sắp tới. Họ chỉ ra tiến bộ trong nỗ lực giảm lạm phát và lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn tăng – có tác dụng thắt chặt điều kiện tài chính tương tự như việc tăng lãi suất chính sách – là những lý do để tiếp tục dừng tăng lãi suất.

Sự kết hợp giữa lạm phát chậm lại và nền kinh tế tăng trưởng làm dấy lên hy vọng Fed sẽ thành công trong nỗ lực “hạ cánh mềm”, khi mà lạm phát giảm về mục tiêu 2% nhưng không xảy ra suy thoái. Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nền kinh tế sẽ chậm lại. Tuy nhiên, quỹ đạo của nền kinh tế sau đại dịch tỏ ra khó dự đoán.

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ lần đầu tiên chạm mức 5% trong tuần này sau 16 năm. Điều đó ảnh hưởng đến chi phí vay thế chấp, thẻ tín dụng, mua ô tô và vay kinh doanh – có thể làm chậm nền kinh tế.

Thu nhập sau thuế điều chỉnh theo lạm phát của người Mỹ giảm 1,0% trong quý III, sau khi tăng đáng kể trong nửa đầu năm. Tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập giảm xuống 3,8% trong quý III, từ mức 5,2% trong quý II. Người tiêu dùng sẽ có ít khoảng đệm để mua sắm hơn nếu họ tiếp tục rút bớt số tiền tiết kiệm của mình. Chi tiêu tiêu dùng chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chung vì nó chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của Mỹ.

Lãi suất dài hạn cao hơn có thể khiến một số khu vực của nền kinh tế hạ nhiệt. Đầu tư nhà ở tăng 3,9% trong quý III. Nhưng lãi suất thế chấp tăng lên gần 8% – cao nhất kể từ giữa năm 2000 – có thể đè nặng lên hạng mục đó khi nhu cầu mua nhà giảm sút.

Số doanh nghiệp nhỏ báo cáo khó tiếp cận tín dụng hơn tăng trong một cuộc khảo sát tháng 9. Điều đó có thể báo hiệu đầu tư kinh doanh và tuyển dụng kém đi. Đầu tư kinh doanh vào các hạng mục như tòa nhà và thiết bị về cơ bản không tăng trong quý III.

“Sẽ rất bất ngờ nếu tăng trưởng tiêu dùng vẫn mạnh như vậy trong quý IV”, theo Andrew Hunter – nhà kinh tế về Mỹ tại Capital Economics. “Có dư địa để lãi suất cao hơn và những trở ngại khác bắt đầu gây áp lực nhiều hơn”.