VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Nga suy giảm 2% trong năm 2022

Kinh tế Nga suy giảm 2% trong năm 2022

10:09 - 30/12/2022

Những dự báo tiêu cực của các nhà phân tích phương Tây đã không thành hiện thực khi nền kinh tế Nga chỉ suy giảm 2% trong năm 2022.

Bất chấp loạt trừng phạt của phương Tây, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ sụt giảm 2% trong năm 2022.

Trong tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đạt 3,7%, mức thấp nhất được ghi nhận. Trong khi đó, ngành xây dựng và nông nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái; khối lượng cho vay tăng hơn 13% và tình hình thị trường lao động vẫn ổn định.

Thủ tướng Nga cho rằng trong một thời gian ngắn, các biện pháp đã được thực hiện để bảo vệ thị trường nội địa Nga trước áp lực bên ngoài, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực và duy trì các cơ sở sản xuất đang hoạt động hiện nay.

GDP của Nga chỉ sụt giảm 2% trong năm 2022

Trước đó, Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo lạm phát hằng năm ở nước này năm 2022 ở mức 12,4% và giảm xuống 5,5% trong năm tới. Ngân hàng Trung ương Nga đã đưa ra các dự báo tương tự, theo đó lạm phát năm 2023 giảm còn 5-7% và năm 2024 sẽ giảm xuống 4%.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới được áp đặt của phương Tây đã góp phần khiến giá năng lượng giảm gần đây, điều này chắc chắn đang gây áp lực lên đồng ruble. Đồng ruble đã mất khoảng 8% giá trị so với đồng USD trong tuần trước và đang trên đà giảm mạnh tính theo tháng sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ và mức giá trần có hiệu lực.

Ông Nicholas Farrb – nhà kinh tế về các nền kinh tế châu Âu mới nổi tại Capital Economics cho rằng nếu đồng rup tiếp tục giảm trong năm 2023, Ngân hàng trung ương Nga có thể sẽ buộc phải tăng lãi suất trở lại để kiểm soát lạm phát và điều này chắc chắn sẽ làm xói mòn nỗ lực hồi phục của Nga trước các lệnh trừng phạt.

Năm 2023 cũng được dự báo là khó khăn hơn với Nga khi thâm hụt ngân sách có thể cao hơn mức dự kiến do biện pháp áp giá trần ảnh hưởng đến nguồn thu. Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine, Nga đã đưa ra các khoản chiết khấu hào phóng cho các nhà nhập khẩu dầu chính là Ấn Độ và Trung Quốc.

Chênh lệch giữa giá dầu Urals của Nga và giá dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế đã tăng từ mức 1 – 2 USD lên mức hiện nay là từ 20 – 30 USD mỗi thùng. Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, Nga sẽ tìm cách phát triển các thị trường mới nhằm khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.