VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Nhật Bản phục hồi

Kinh tế Nhật Bản phục hồi

09:50 - 15/08/2022

GDP thực tế trong quý II/2022 của Nhật Bản ước đạt 542.120 tỷ yen, lần đầu tiên vượt mức 540.840 tỷ yen của quý IV/2019 (trước đại dịch).

Kinh tế Nhật Bản đang ghi nhận sự hồi phục khi tăng 0,5% so với quý trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các mức tăng trưởng tương ứng theo dự báo của thị trường là 0,6% và 2,5%.

Nền kinh tế Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng dương chủ yếu là do Nhật Bản đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế về dịch Covid-19, từ đó giúp chi tiêu dùng cá nhân (vốn chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản) tăng 1,1% trong quý vừa qua. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Nhật Bản cũng hồi phục mạnh. Chỉ riêng trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng tới 20,4% lên 8.580 tỷ yen. Đây là tháng thứ 16 liên tiếp xuất khẩu của Nhật Bản ghi nhận đà tăng.

Kinh tế Nhật Bản đang ghi nhận sự hồi phục tích cực

Dù kinh tế Nhật Bản đang có nhiều dấu hiệu lạc quan, tuy nhiên, theo giới phân tích, đà tăng trưởng có thể sẽ giảm tốc do lạm phát cao, đồng yen mất giá so với USD và môi trường bên ngoài đang xấu đi. Đơn cử, trong tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của Nhật Bản tăng 2,2%, cao nhất trong hơn 7 năm. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và sự đứt gãy của một số chuỗi cung ứng. Đây là quý thứ ba liên tiếp lạm phát ở Nhật Bản cao hơn so với mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Bên cạnh đó, việc dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh ở Nhật Bản từ cuối tháng 6 với số ca nhiễm mới vào giữa tháng 8 có lúc đã vượt ngưỡng 250.000 ca/ngày có thể sẽ tác động tiêu cực tới chi tiêu dùng cá nhân.

Mặt khác, nợ công đang tăng cao kỷ lục cũng là gánh nặng cho nền kinh tế Nhật Bản. Vào cuối tháng 6/2022, tổng dư nợ nợ công của chính quyền trung ương Nhật Bản là hơn 1,255 triệu tỷ yen (hơn 9.421 tỷ USD), cao nhất từ trước tới nay. Như vậy, với dân số tính tới ngày 1/7 là khoảng 124,84 triệu người, nợ công bình quân đầu người của Nhật Bản là 10,05 triệu yen (hơn 75.000 USD) /người.

Tổng dư nợ nợ công (bao gồm trái phiếu chính phủ, hối phiếu tài chính và các khoản vay nợ) tăng 13.885,7 tỷ yen so với thời điểm cuối tháng 3/2022 (tức là cuối tài khóa 2021), trong đó dư nợ hối phiếu tăng 24.299,9 tỷ yen lên 110.498,8 tỷ yen, còn dư nợ trái phiếu lại giảm 7.075,9 tỷ yen xuống còn 984.335,3 tỷ yen.

Nguyên nhân chủ yếu khiến nợ công của Nhật Bản tiếp tục tăng là do nước này phải chi các khoản rất lớn cho công tác phòng chống dịch Covid-19, trong khi chi phí an sinh xã hội cũng “phình to” do tình trạng già hóa dân số.

Trước đó vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2022 là 2,4%. Tuy nhiên, ngày 26/7, IMF đã hạ dự báo xuống còn 1,7%, thấp hơn rất nhiều so với con số đưa ra hồi tháng 4. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ thực hiện hàng loạt các biện pháp mới nhằm hạn chế tác động của lạm phát tới nền kinh tế, đồng thời tăng cường chi tiêu công để kích cầu.