VNReport»Kinh tế»Tài chính»Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong quý một

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong quý một

11:25 - 18/04/2022

GDP Trung Quốc tăng nhanh hơn kỳ vọng nhưng thấp hơn mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh trong năm nay.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong quý đầu tiên của năm, ngay cả khi các đợt phong tỏa đóng cửa nhà máy và giam cầm hàng chục triệu người trong nhà vào tháng 3.

GDP của Trung Quốc tăng 4,8% theo năm trong quý đầu tiên, Cục Thống kê Quốc gia cho biết hôm thứ Hai. Tốc độ đó nhanh hơn mức tăng 4% được ghi nhận trong 3 tháng cuối năm 2021 và mức 4,4% theo dự đoán của các nhà kinh tế do Reuters thăm dò.

Bắc Kinh phải đối mặt với một thử thách lớn trong năm nay để giữ cho nền kinh tế phát triển khi những thách thức đối với tăng trưởng ngày càng gia tăng. Cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đối với Covid-19 đang làm ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và làm tổn hại đến sản xuất công nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và thắt chặt quy định với các ngành bao gồm công nghệ và giáo dục.

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine khiến giá hàng hóa tăng vọt, thúc đẩy chi phí của doanh nghiệp và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu về lúa mì, dầu mỏ, kim loại và các hàng hóa khác. Lạm phát phi mã đang gây áp lực lên người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu, ảnh hưởng đến nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của Trung Quốc.

Những lý do trên khiến nhiều nhà kinh tế hoài nghi rằng Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu của chính phủ là tăng GDP khoảng 5,5% trong năm nay. Điều này hạ thấp hơn nữa triển vọng cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang đối mặt với chiến tranh, lạm phát và việc dỡ bỏ các chính sách tiền tệ lỏng lẻo mà Mỹ và các nền kinh tế phát triển đã áp dụng trong nhiều năm.

Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group ở Hong Kong, cho biết: “Mục tiêu tăng trưởng là không thể vào thời điểm này”.

Nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa trong các đợt phong tỏa gần đây.

Nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa trong các đợt phong tỏa gần đây.

Hầu hết tăng trưởng của quý đầu tiên xảy ra trong tháng 1 và tháng 2. Trong tháng 3, các đợt phong tỏa để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 đã lan đến các trung tâm công nghiệp lớn bao gồm Thâm Quyến, Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm. Hầu hết những đợt phong tỏa đó vẫn được duy trì, làm dấy lên câu hỏi về quý 2.

Dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp suy yếu vào tháng trước do các hạn chế khiến lực lượng lao động mỏng đi và chuỗi cung ứng gặp khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng 5% trong tháng 3 so với một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 7,5% hàng năm trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2. Dữ liệu thương mại gần đây cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 3, lần đầu tiên trong gần 2 năm, do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại.

Doanh số bán lẻ trong tháng 3 giảm 3,5% so với một năm trước đó, sau khi tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong 2 tháng đầu năm, do phong tỏa khiến người dân phải ở trong nhà và các cửa hàng phải đóng cửa. Doanh số bán nhà theo số lượng giảm 25,6% trong quý đầu tiên so với một năm trước đó, trong khi diện tích sàn xây mới giảm 17,5%. Cả hai mức giảm này đều rõ ràng hơn so với 2 tháng đầu năm.

Trung Quốc cho biết GDP tăng 1,3% trong 3 tháng đầu năm khi so với quý 4/2021, chậm lại so với mức tăng 1,6% theo quý của quý trước.

Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia, cho biết: “Sự phức tạp và không chắc chắn của môi trường trong và ngoài nước đã gia tăng, và sự phát triển kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn”.

Các công ty như Tesla và Volkswagen phải đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 3 do phong tỏa cản trở hoạt động sản xuất. Những công ty khác – chẳng hạn như hãng ô tô Trung Quốc SAIC Motor và nhà sản xuất chip TSMC – vẫn tiếp tục một số hoạt động bằng cách thuyết phục công nhân ngủ trong khuôn viên nhà máy.

Áp lực đặc biệt nghiêm trọng ở Thượng Hải, tâm dịch Covid-19 hiện tại. “Nếu không thể tiếp tục sản xuất ở Thượng Hải, tất cả các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp có liên kết chuỗi cung ứng với Thượng Hải – đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô – sẽ hoàn toàn ngừng hoạt động sau tháng 5, gây ra cái giá kinh tế lớn”, Richard Yu, người đứng đầu lĩnh vực giải pháp ô tô của Huawei, cho biết hôm thứ Sáu trên mạng xã hội WeChat.

Thượng Hải – trung tâm tài chính của Trung Quốc – bị phong tỏa trong nhiều tuần qua.

Thượng Hải – trung tâm tài chính của Trung Quốc – bị phong tỏa trong nhiều tuần qua.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cam kết sẽ giúp các công ty chủ chốt ở Thượng Hải tiếp tục hoạt động bằng cách giải quyết những trở ngại về logistics và đảm bảo nguồn cung cấp các nguyên liệu thô quan trọng. Cơ quan này đưa ra một danh sách ưu tiên gồm 666 công ty trong những ngành công nghiệp chủ chốt như ô tô, chất bán dẫn và y sinh học, theo một tuyên bố đăng trên trang web vào thứ Sáu.

Những hạn chế ở Thượng Hải – nơi ở của 25 triệu dân – đã bắt đầu giảm bớt phần nào sau khi số ca nhiễm hạ xuống, mặc dù thành phố vẫn phong tỏa chặt. Tại Cát Lâm, giới chức tuyên bố chiến thắng sau một đợt phong tỏa kéo dài. Nhưng các biện pháp y tế công cộng đang bắt đầu thắt chặt ở những nơi khác, cho thấy khó khăn trong việc ngăn chặn biến thể Omicron lây lan nhanh và nguy cơ phong tỏa lẻ tẻ ảnh hưởng đến kinh tế trong suốt cả năm.

Các đợt phong tỏa cục bộ đang được áp đặt mới, mở rộng hoặc kéo dài ở những nơi khác trong nước, bao gồm thành phố công nghiệp Thái Nguyên, siêu đô thị Quảng Châu và một lần nữa ở Thâm Quyến. Theo khảo sát của Nomura, 45 thành phố của Trung Quốc với tổng số 373 triệu dân phong tỏa toàn bộ hoặc một phần vào thứ Hai, tăng mạnh so với 23 thành phố và 193 triệu dân một tuần trước đó. 45 thành phố đó chiếm hơn 1/4 dân số Trung Quốc và khoảng 40% tổng sản lượng kinh tế của đất nước.

Chỉ số việc làm hàng đầu của Trung Quốc – tỷ lệ thất nghiệp khảo sát ở đô thị – tăng lên 5,8% trong tháng 3. Con số này cao nhất trong gần 2 năm và là mức tăng lớn nhất trong 1 tháng của Trung Quốc kể từ đầu năm 2020, khi nước này vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán.

Các nhà kinh tế kỳ vọng Bắc Kinh sẽ ban hành thêm những biện pháp kích thích trong thời gian tới với nỗ lực đạt mục tiêu 5,5% GDP. Hôm thứ Sáu, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ bơm hàng tỷ USD thanh khoản để khuyến khích ngân hàng cho vay, mặc dù giữ nguyên lãi suất chuẩn. Một cuộc họp của các quan chức hàng đầu do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì trong tuần này đưa ra kế hoạch cứu trợ những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như bán lẻ và khách sạn và đẩy nhanh các dự án xây dựng lớn, theo truyền thông nhà nước.

Đối với nhiều nhà kinh tế, vẫn chưa rõ tăng trưởng sẽ đến từ đâu. Các doanh nghiệp phải đối mặt với giá cả tăng cao với nhu cầu trong nước và nước ngoài suy yếu, hạn chế nhu cầu đầu tư của họ. Bất động sản từng là động lực tăng trưởng đáng tin cậy trong quá khứ nhưng sự bùng nổ kéo dài nhiều năm khiến lĩnh vực này gặp khó khăn về nợ xấu. Dữ liệu hôm thứ Hai cho thấy doanh số bán nhà giảm 26% trong 3 tháng đầu năm 2022 so với một năm trước đó. Và người tiêu dùng bị trói buộc bởi chiến lược không khoan nhượng của chính phủ đối với Covid-19.

Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC tại Hong Kong, cho biết: “Bạn không thể ngăn đà tăng trưởng chậm lại nếu ngăn cản mọi người ra ngoài”.