VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong quý II

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong quý II

11:23 - 17/07/2023

So với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, GDP quý II của Trung Quốc tăng 6,3%. So với quý I, GDP quý II chỉ tăng 0,8%.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong quý II và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6. Đây là những bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất đà phục hồi, có thể khiến nền kinh tế toàn cầu suy yếu trong năm nay khi suy thoái kinh tế rình rập Mỹ và châu Âu.

Tốc độ tăng trưởng chậm chạp trong năm 2023 gây áp lực buộc chính quyền Trung Quốc phải có chính sách kích thích khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và xuất khẩu sụt giảm. Một cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tình hình tài chính bất ổn của các chính quyền địa phương khiến nền kinh tế thêm ảm đạm.

Nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng là thách thức cấp bách nhất trong một danh sách dài các vấn đề mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao phải đối mặt. Mối quan hệ khó khăn với phương Tây đang siết chặt đầu tư vào Trung Quốc. Bắc Kinh đang đối đầu với Washington về chất bán dẫn và các nguyên liệu, thiết bị cần thiết để sản xuất chúng. Nga – một đồng minh – đang chìm trong vũng lầy do chính họ tạo ra ở Ukraine.

Quý II/2022, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc bị kìm hãm nghiêm trọng bởi phong tỏa theo chính sách zero-Covid. Điều đó giúp cho tốc độ tăng trưởng theo năm trong quý II/2023 đạt 6,3%. Với mức nền thấp trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế năm nay nhiều khả năng vẫn đạt mục tiêu 5% của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, với việc mất đà sau đợt bùng nổ kinh tế ban đầu vào đầu năm, Trung Quốc sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để vực dậy niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng, theo các nhà kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,8% trong quý II so với 3 tháng đầu năm, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết vào ngày 17/7, thấp hơn một nửa tốc độ theo quý 2,2% được ghi nhận trong quý I. Kết quả này phản ánh doanh số bán lẻ yếu, đầu tư của khu vực tư nhân giảm sút và xuất khẩu kém – những yếu tố đã thúc đẩy tăng trưởng trong suốt đại dịch nhưng hiện đảo ngược khi các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất.

So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng trong quý II cao hơn so với mức 4,5% trong quý I nhưng kém hơn so với kỳ vọng 6,9% của các nhà kinh tế được tờ Wall Street Journal khảo sát. Tốc độ tăng trưởng theo năm tăng nhờ sự sụt giảm sâu trong quý II năm ngoái, khi Thượng Hải phong tỏa toàn thành phố để kiểm soát một đợt bùng phát Covid-19.

Bắc Kinh từ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid nghiêm ngặt vào khoảng cuối năm ngoái – đầu năm nay, mở đường cho kinh tế phục hồi khi các doanh nghiệp nối lại hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng chi tiêu một số khoản tiết kiệm mà họ đã tích cóp được trong thời kỳ đại dịch. Người tiêu dùng Trung Quốc được hy vọng sẽ thúc đẩy phục hồi lâu dài và tình trạng trượt dốc kéo dài trong lĩnh vực bất động sản sẽ chấm dứt, thúc đẩy nền kinh tế khi nhu cầu xuất khẩu suy yếu do người tiêu dùng phương Tây hạn chế chi tiêu.

Dữ liệu hôm nay cho thấy hy vọng đó không trở thành sự thực. Doanh số bán lẻ trong tháng 6 chỉ tăng 0,2% so với tháng 5, cho thấy các hộ gia đình đang thận trọng trong chi tiêu. Các nhà kinh tế cho biết điều đó phản ánh lo lắng về việc làm và nền kinh tế chung cũng như những vết sẹo kéo dài của đại dịch, chẳng hạn như thu nhập và việc làm bị mất.

Người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu thận trọng, làm mất một động lực phục hồi kinh tế.

Người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu thận trọng, làm mất một động lực phục hồi kinh tế.

Thước đo hàng đầu về thất nghiệp của Trung Quốc – tỷ lệ thất nghiệp thành thị khảo sát – giữ ổn định ở mức 5,2% trong tháng 6. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lại tăng lên, với tỷ lệ thất nghiệp ở người từ 16 đến 24 tuổi là 21,3% trong tháng 6 sau khi đạt 20,8% trong tháng 5.

Đầu tư vào nhà xưởng, máy móc và các tài sản cố định khác chỉ tăng 0,4% trong tháng 6 so với tháng 5, do bất động sản yếu kém. Sản xuất công nghiệp tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Dữ liệu từ Trung Quốc trái ngược với tin tức kinh tế tốt hơn dự kiến ở Mỹ. Trong tháng 6, lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong 2 năm, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất mà không gây ra suy thoái – còn được gọi là “hạ cánh mềm”.

Tuy nhiên, ở những nơi khác, các tín hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang mất dần động lực. Hoạt động sản xuất suy yếu trên diện rộng. Dữ liệu từ Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác cho thấy thương mại đang đi xuống.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm do tác động từ những biện pháp thắt chặt mạnh tay của các ngân hàng trung ương. Tổ chức này dự kiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,1% trong năm nay, giảm từ mức 3,1% trong năm 2022.