VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Kinh tế Trung Quốc tháng 11 tăng trưởng chậm do khủng hoảng bất động sản và tiêu dùng yếu

Kinh tế Trung Quốc tháng 11 tăng trưởng chậm do khủng hoảng bất động sản và tiêu dùng yếu

11:52 - 16/12/2021

Các dữ liệu về bất động sản, tiêu dùng và đầu tư của nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, khiến Bắc Kinh chịu thêm áp lực cần có các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.

Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc vào tháng 11 trong bối cảnh thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài và phục hồi tiêu dùng chậm chạp. Điều này tạo thêm áp lực lên Bắc Kinh tăng cường các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các chỉ báo sớm về tiêu dùng và hoạt động đầu tư tháng 11 suy yếu hơn nữa so với tháng 10, trong khi sản lượng sản xuất tăng với tốc độ cao hơn nhờ nguồn cung điện dồi dào hơn. Sản xuất công nghiệp tăng 3,8% vào tháng 11 so với một năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 3,5% trong tháng 10, một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế Trung Quốc.

Sản xuất công nghiệp tăng 3,8% vào tháng 11, một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế Trung Quốc.

Sản xuất công nghiệp tăng 3,8% vào tháng 11, một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, đợt suy thoái bất động sản dai dẳng tiếp tục ảnh hưởng đến tổng đầu tư. Chi tiêu tiêu dùng, một yếu tố tụt hậu trong quá trình phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch, cũng cho thấy dấu hiệu suy yếu mới.

Đầu tư vào tài sản cố định tăng 5,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11, giảm so với tốc độ 6,1% được ghi nhận trong 10 tháng đầu năm. Giá căn hộ mới, bắt đầu giảm từ tháng 9, tiếp tục giảm trong tháng trước do người mua nhà ngày càng lo ngại về sức khỏe tài chính của các chủ đầu tư. Giá nhà mới giảm 0,33% trong tháng 11 so với tháng 10 tại 70 thành phố, mức giảm lớn nhất theo tháng trong khoảng 6 năm.

Số công trình xây dựng mới của các chủ đầu tư bất động sản, cung cấp việc làm cho lao động di cư và thúc đẩy nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc, giảm 9,1% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 so với năm trước đó, tăng từ mức giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong 10 tháng đầu năm.

Doanh số bán lẻ tháng 11 chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức tăng 4,9% của tháng 10. Các quy định hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc ảnh hưởng đến các lĩnh vực bao gồm dịch vụ ăn uống, nơi doanh số bán hàng giảm 2,7% trong tháng 11, tăng so với mức giảm 2% trong tháng 10.

Dữ liệu kinh tế mới nhất chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại hơn nữa, sau khi gặp vấn đề trong quý III do cuộc khủng hoảng năng lượng giáng vào sản lượng sản xuất và các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ ảnh hưởng đến tiêu dùng. Sự suy thoái liên tục của thị trường bất động sản, do cuộc khủng hoảng thanh khoản của các chủ đầu tư mắc nợ nhiều như China Evergrande, cũng đè nặng lên nền kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trong những tuần gần đây phát đi tín hiệu rằng họ sẽ xoay trục để thúc đẩy nền kinh tế và thực hiện các biện pháp tiếp theo nhằm chống đỡ ảnh hưởng từ thị trường bất động sản đang hạ nhiệt nhanh chóng.

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương kết thúc vào thứ Sáu tuần trước, giới lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc nhấn mạnh ổn định là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế trong năm tới. Điều này báo hiệu sự thay đổi trọng tâm chính sách sau một loạt những đợt thắt chặt quy định đối với các ngành công nghệ, giáo dục và bất động sản trong năm nay khiến nền kinh tế chao đảo.

Doanh số bán lẻ tháng 11 chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với tháng 10.

Doanh số bán lẻ tháng 11 chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với tháng 10.

Shuang Ding, nhà kinh tế ở ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Trung Quốc có khả năng sẽ áp dụng chính sách tài khóa chủ động hơn vào năm tới”. Ông nói thêm rằng áp lực lạm phát gia tăng trong năm tới có khả năng hạn chế phạm vi nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.

Theo Ding, Bắc Kinh có khả năng đặt mục tiêu tăng trưởng 5% hoặc cao hơn cho năm 2022. Điều này có thể thúc đẩy các chính quyền địa phương tăng chi tiêu tài khóa để đạt mục tiêu. Chi tiêu của chính quyền địa phương tương đối chậm chạp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm nay, ông cho biết thêm.

Tuần trước, Trung Quốc tăng cường thanh khoản trong hệ thống tài chính bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (quy định lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ). Một số nhà kinh tế kỳ vọng Trung Quốc có thể giảm hơn nữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc và thậm chí hạ lãi suất tiêu chuẩn trong những tháng tới. Giới chức đã nới lỏng các hạn chế đối với việc cho vay thế chấp và dự kiến ​​sẽ nới lỏng hơn nữa những chính sách về thị trường nhà ở.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế hầu hết dự đoán rằng 3 khó khăn được các nhà chức trách nêu rõ tại cuộc họp tuần trước – nhu cầu giảm, cú sốc từ phía cung và kỳ vọng suy yếu – có thể trở nên trầm trọng hơn trong những tháng tới bởi sự không chắc chắn xung quanh biến thể Omicron của Covid-19.

Việc phát hiện hơn 200 trường hợp nhiễm Covid-19 ở tỉnh Chiết Giang trong 10 ngày qua khiến các quan chức phải tạm thời đóng cửa một số nhà máy, có nguy cơ làm gián đoạn sản lượng tại một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới. Ít nhất 20 nhà sản xuất có trụ sở tại Chiết Giang ngừng sản xuất trong tuần qua sau khi giới chức địa phương áp đặt biện pháp phong tỏa. Hầu hết các doanh nghiệp không tiết lộ khi nào nhà máy mở cửa trở lại nhưng cho biết họ mong đợi sự gián đoạn sẽ nhanh chóng kết thúc.

Các đợt bùng phát Covid-19 gần đây cho thấy người tiêu dùng sẽ vẫn thận trọng và sự gián đoạn hơn nữa chuỗi cung ứng là một “khả năng đáng kể”, các nhà kinh tế từ Capital Economics viết trong một lưu ý hôm thứ Tư.

Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các quan chức và nhà kinh tế lo ngại hơn về thị trường lao động, nơi một số dấu hiệu căng thẳng đã bắt đầu xuất hiện. Tỷ lệ thất nghiệp theo khảo sát ở khu vực thành thị Trung Quốc tăng lên 5% vào tháng trước, từ 4,9% vào tháng 10, trong khi tỷ lệ thất nghiệp thành thị cho người từ 16-24 tuổi vẫn ở mức cao 14,3% vào tháng 11.

“Áp lực liên tục trên thị trường việc làm đè nặng lên tăng trưởng thu nhập và chi tiêu”, Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities, cho biết. “Cần có thêm nhiều biện pháp để hỗ trợ tình trạng việc làm đang xấu đi”.